Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Phượng - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
1. Vá màng trinh là gì?
Màng trinh là lớp màng nhầy mỏng, nằm cách âm đạo khoảng 2 cm. Màng trinh bao gồm các mô liên kết, mạch máu và đầu dây thần kinh. Độ dày của lớp màng nhầy mỏng này ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa. Cấu trúc của màng trinh gồm 3 dạng là vách ngăn, hình khuyên, dạng sàng.
Màng trinh nằm ở giữa cửa âm đạo và tiền đình âm đạo. Đây là một mô giống như màng có một lỗ ở giữa cửa âm đạo không hoàn toàn đóng lại. Có một lỗ hoặc lỗ ở giữa, được gọi là lỗ màng trinh, có nhiều mạch máu nhỏ nên khi khi rách màng trinh sẽ có hiện tượng máu đỏ chảy ra.
Thông thường, rách màng trinh là do hoạt động quan hệ tình dục trong lần đầu tiên. Ngoài ra, vá màng trinh bị rách cũng có thể do các tác động bên ngoài như do vận động mạnh như tập thể thao, đạp xe chạy bộ, tập võ, thủ dâm.
Vá màng trinh là một thủ thuật ngoại khoa có tác dụng làm lành lớp da niêm mạc trong âm đạo bằng cách can thiệp các dụng cụ y tế. Quá trình tiểu phẫu này không ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ.
Tuy vậy, phụ nữ mang thai không thể vá màng trinh. Phụ nữ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thể thực hiện vá màng trinh trong trường hợp đã điều trị khỏi bệnh. Người thực hiện thủ thuật không mắc các bệnh phụ khoa như viêm lộ tuyến cổ tử cung, u xơ tử cung. Sau khi sạch kinh ít nhất 3 ngày là thời gian vàng để thực hiện vá màng trinh. Trước 2 tuần thực hiện thủ thuật nên tránh sử dụng thuốc kháng sinh, ngưng hút thuốc và tránh quan hệ trước khi thực hiện thủ thuật.
Phẫu thuật vá màng trinh chống chỉ định cho những trường hợp: Bệnh nhân mắc các bệnh cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, bệnh máu,...
2. Quy trình vá màng trinh
2.1. Các phương pháp vá màng trinh
Trước khi tìm hiểu về quy trình vá màng trinh, chúng ta hãy tìm hiểu về các phương pháp vá màng trinh hiện nay. Một số phương pháp vá màng trinh an toàn và được áp dụng phổ biến hiện nay như: Phương pháp dán màng trinh; Phương pháp khâu màng trinh; Phương pháp xâm lấn tối thiểu.
- Phương pháp dán màng trinh là một thủ thuật đơn giản được bác sĩ sử dụng các mô của cơ thể để dán lại màng trinh. Sau 5-7 ngày chất kết dính sẽ tự động rơi ra và không gây ảnh hưởng đến màng trinh đã được dán.
- Phương pháp khâu màng trinh bao gồm: kỹ thuật khâu hấp thụ và khâu không hấp thụ. Thời gian thực hiện khoảng 15-20 phút. Trong đó, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ những phần thừa của màng trinh do bị rách, sau đó khâu lại. Khi màng trinh rách quá rộng, bác sĩ tách niêm mạc trước khi vá.
- Phương pháp xâm lấn tối thiểu với việc sử dụng các công nghệ cao vào trong thủ thuật. Ưu điểm của phương pháp này ưu việt hơn hẳn do không gây đau, không để lại sẹo, thời gian phục hồi và thực hiện nhanh, không gây biến chứng hay viêm nhiễm vùng kín sau phẫu thuật.
2.2. Quy trình thực hiện
Bước 1: Kiểm tra sức khỏe phụ khoa
Bước kiểm tra này giúp xác định phụ nữ có mắc các bệnh về phụ khoa không? Nếu phụ nữ đang bị mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa thì cần điều trị khỏi hoàn toàn mới có thể tiến hành vá màng trinh.
Khám sức khỏe vùng kín sẽ giúp bác sĩ có thể xác định được đặc điểm và cấu tạo âm đạo của bệnh nhân để có thể thực hiện tốt quá trình vá màng trinh.
Bước 2: Tiến hành vệ sinh, sát trùng
Trước khi tiến hành vá màng trinh, bác sĩ sẽ làm vệ sinh sạch sẽ vùng âm đạo, âm hộ của bệnh nhân, sát trùng để loại bỏ toàn bộ vi khuẩn ra khỏi vùng kín, giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm trùng sau tiểu phẫu.
Bước 3: Gây tê cục bộ
Bác sĩ sẽ gây tê cục bộ tại vùng thực hiện tiểu phẫu, giúp bệnh nhân không bị đau đớn khi thực hiện phẫu thuật và bác sĩ có thể yên tâm thực hiện một cách thuận lợi hơn.
Bước 4: Thực hiện vá màng trinh
Sau thuốc tê phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp vá màng trinh phù hợp để kéo và dán màng trinh đã bị rách liền lại với nhau mà không làm ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận.
Sau khi tái tạo lại màng trinh xong, bác sĩ sát trùng lại vết thương một lần nữa.
Bước 5: Hướng dẫn chăm sóc vùng kín sau khi phẫu thuật
Sau khi vá màng trinh xong, bệnh nhân sẽ cần phải sử dụng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng vết thương, đồng thời chú ý vệ sinh vùng kín cẩn thận tuân thủ theo đúng yêu cầu dặn dò và chỉ định của bác sĩ.
3. Những lưu ý sau khi vá màng trinh
Để đảm bảo việc thực hiện thủ thuật đem lại hiệu quả, quá trình chăm sóc hậu thủ thuật cũng rất quan trọng. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ, vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng, không thụt rửa sâu vào bên trong, không lạm dụng thuốc kháng sinh.
Đồng thời, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Những hoạt động mạnh như: đạp xe, hoặc dạng chân hay ngồi xổm, đi giày cao gót... cần được tránh hoặc hạn chế.
Trong vòng 2 đến 3 tháng sau khi thực hiện thủ thuật vá màng trinh, chị em phụ nữ cần kiêng quan hệ nhằm để màng trinh có thời gian liền với nhau. Việc đi khám định kỳ cần theo lịch của bác sĩ để kiểm tra hiệu quả.
Vá màng trinh là thủ thuật khá đơn giản nhưng để đảm bảo sức khỏe cũng như hạn chế tối đa biến chứng thì bạn nên chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.