Da trâu treo gác bếp và da trâu xào măng chua.
Da trâu có độ dày và dai hơn so với các loại da khác nên cách chế biến, bảo quản cũng kỳ công. Da trâu được cắt thành từng miếng to khoảng 2 bàn tay sau đó treo trên gác bếp. Do bếp lửa của người vùng cao luôn đỏ lửa nên miếng da trâu được hong khô bởi khói của than củi nên có hương vị ngai ngái đặc trưng của mùi khói bếp. Khi da trâu khô và tóp lại là có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó da trâu xào thịt chua được người vùng cao ưa chuộng.
Cách làm măng chua của người đồng bào cũng khá khác biệt. Họ thường làm từ măng tre, rửa sạch để ráo nước, rồi thái mỏng, đập dập, hoặc thái sợi. Phổ biến là thái mỏng hoặc đập dập, vì như vậy măng sẽ ngấu, chua nhanh hơn. Măng được lèn kỹ vào các chum và bịt kín bằng lá dong, lá chuối, để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Khoảng 2 đến 3 ngày giở ra lèn kỹ lại, cứ như vậy đến khi măng ngấu và có thể để quanh năm, thậm chí để được vài năm. Khi lấy măng phải dùng những dụng cụ sạch, không dính dầu mỡ, nếu không sẽ bị hỏng. Sau khoảng một tuần, măng có mùi thơm và vị chua là ăn được, sau đó chỉ cần đậy kín lại và sử dụng dần.
Măng này xào vào da trâu tạo thành món ngon trứ danh. Bạn cần chuẩn bị khoảng 500g da trâu khô, 200g măng chua, hành, tỏi, ớt, gia vị.
Thui da trâu trên lửa to cho đến khi da cháy xém phần ngoài. Sau đó, làm sạch phần da bên trong rồi thái miếng vừa phải. Măng chua (nếu đã ngấu) vắt kỹ, đun nhỏ lửa cho chín kỹ để không có mùi he. Tiếp đến, phi thơm hành, tỏi và ớt, sau đó, cho da trâu vào xào cùng với măng chua. Nêm gia vị với muối, đường, nước mắm và tiêu theo khẩu vị của bạn. Khuấy đều cho đến khi da trâu và măng chua chín. Vị giòn sần sật của da trâu kết hợp với vị chua chua, ngọt ngọt của măng, vị cay nhẹ của ớt sẽ khiến ai ăn cũng xuýt xoa, nhớ mãi.