Tuổi thơ khó nhọc
Lên 2 tuổi, Dũng lâm vào cảnh mồ côi cha. Một mình mẹ Dũng gồng mình chăm sóc hai đứa con “trứng gà trứng vịt”. Khó khăn, vất vả trăm bề, mẹ quyết định gửi Dũng về nhờ bà ngoại ở Thái Nguyên chăm sóc. Gia cảnh của bà ngoại cũng thật khốn khó. Thương con gái, thương Dũng côi cút, bà ngoại cố gắng hết sức nhưng cũng chỉ đủ đắp đổi bữa đói bữa no cho qua ngày. Do hoàn cảnh mà Dũng cũng trở nên chín chắn, trưởng thành hơn bạn bè cùng trang lứa.
Nhớ lại mỗi lần mẹ đưa em gái về thăm, Dũng đã bao lần dặn lòng mình phải mạnh mẽ, không được khóc. Thế nhưng khi bóng mẹ và em vừa khuất, cậu lại không kìm được mình, chạy ra sau nhà khóc nức nở. Dũng bảo, những lúc đó cậu thèm được đi theo mẹ và em biết bao. “Lúc đó, tôi lại nhớ đến lời mẹ dặn: “Ở nhà với bà ngoan, gắng học hành con nhé!”. Điều đó đã trở thành động lực để tôi quyết tâm theo đuổi con đường học tập đến cùng".
15 tuổi, Dũng xin phép bà ngoại lên thành phố tìm mẹ. Biết được quyết định của Dũng, mẹ không kìm được những giọt nước mắt vui mừng. Ba mẹ con đoàn tụ, Dũng tự thấy mình phải có trách nhiệm chăm lo cho mẹ và em. Sống cùng mẹ ở khu tập thể Trường Trung cấp Kỹ thuật Phòng không-Không quân (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phòng không-Không quân) chính là khởi nguồn cho ước mơ trong Dũng rằng có một ngày nào đó cậu sẽ được điều khiển chiếc máy bay và khám phá bầu trời. Cuộc sống đầy vất vả, nhưng trên khuôn mặt Dũng lúc nào cũng ánh lên niềm tin, nghị lực lạ thường.
18 tuổi, qua các vòng tuyển chọn gắt gao, Dũng trở thành học viên bay Trường Sĩ quan Không quân. Với sự cố gắng và tinh thần ham học hỏi, kết thúc khóa học, cầm trên tay tấm bằng giỏi, chàng thanh niên ngày nào nay đã thực hiện được mơ ước: Trở thành thầy giáo dạy bay.
Tổ ấm hạnh phúc của gia đình Trung tá Đàm Chí Dũng. Ảnh do nhân vật cung cấp
Duyên trời xe
Khi được hỏi về chuyện gia đình, về người vợ tảo tần, Trung tá Đàm Chí Dũng nói thật giản dị: “Chúng tôi gặp nhau là duyên số”. Chuyện là, chuẩn bị tốt nghiệp khóa học ở Trường Sĩ quan Không quân, anh Dũng được nghỉ phép về thăm gia đình. Ngày trở lại đơn vị, anh đi tàu từ Hà Nội vào Nha Trang, còn chị Lê Thị Phương đi tàu từ Hà Nội về Thanh Hóa dự đám cưới của bạn. 3 giờ đồng hồ trên chuyến tàu Bắc-Nam, cả hai ngồi cùng toa, đối diện nhau. Toa tàu lúc đó có rất đông bạn học cùng lớp anh Dũng. Tính anh Dũng điềm đạm, ít nói, chỉ hay cười tủm tỉm; chị Phương thì ngược lại, sôi nổi, vui vẻ và hay... chuyện. Cảm mến trước nụ cười hiền của anh nên chị Phương chủ động làm quen. Trước khi xuống tàu, cả hai đã kịp trao nhau số điện thoại để liên lạc.
Thế rồi, qua những câu chuyện trao đổi trên điện thoại, họ thấy có sự tâm đầu ý hợp nên quyết định trao cho nhau cơ hội để tìm hiểu. Yêu nhau 3 năm, hai người gặp mặt nhau đúng 3 lần vào mỗi dịp cuối năm (thời điểm anh Dũng được nghỉ phép). Bồi hồi, chị Phương kể lại: "Nhiều năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ ngày anh gửi cho tôi một bức thư viết tay ngỏ lời yêu có đính kèm chiếc nhẫn cầu hôn (chiếc nhẫn được làm từ vật phẩm của máy bay hỏng). Nhìn những dòng chữ nắn nót cùng chiếc nhẫn, tôi thật sự xúc động".
Năm 2010, họ chính thức về chung một nhà. Chị Phương từ Hà Nội xin chuyển công tác vào Nha Trang để được gần chồng. Anh chị thuê một căn nhà nhỏ gần đơn vị anh công tác làm tổ ấm. Đến giữa năm 2011, được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, anh chị vào ở nhà tập thể rộng 30m2 thuộc Trung đoàn 920. Mặc dù nhà gần đơn vị nhưng chuyện anh đi công tác, thường xuyên vắng mặt ở nhà rất đỗi bình thường. “Tôi vẫn nhớ trận bão năm 2017. Anh Dũng đi công tác, bão đến vào ban đêm. Mưa to kèm gió lớn cuốn bay nóc nhà. Con trai Đàm Hải Minh lúc đó mới 6 tuổi sợ hãi, cứ ôm chặt lấy mẹ khóc. Tôi chỉ biết tìm áo mưa choàng lên chắn nước cho con. Con khóc, mẹ cũng khóc...” - chị Phương nhớ lại.
Mọi khó khăn rồi cũng dần qua. Cuộc sống anh chị ngày một ổn định. Cô con gái Đàm Thanh Trúc Linh chào đời, mẹ anh Dũng từ ngoài Bắc vào ở cùng để phụ giúp con dâu, san sẻ những khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Năm 2022, anh chị tiết kiệm được một khoản tiền, cộng thêm vay mượn ngân hàng và nhờ sự hỗ trợ của hai bên gia đình, giờ họ đã có được một tổ ấm của riêng mình.
Trải lòng cùng chúng tôi, chị Phương khẽ bảo: “3 năm yêu nhau, 13 năm làm vợ bộ đội, lá thư tỏ tình anh viết năm nào đến nay tôi vẫn còn nhớ câu: “Lấy chồng bộ đội anh chỉ sợ em vất vả, thiệt thòi”. Đúng vậy, lấy chồng bộ đội có thiệt thòi, có vất vả, nhưng hơn hết, mẹ con tôi luôn cảm nhận đủ đầy tình cảm và trách nhiệm mà anh hết lòng dành cho gia đình. Vì vậy, tôi luôn giữ vững niềm tin vào quyết định và sự lựa chọn của mình ngày ấy”.
TRẦN THANH HUYỀN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.