Từ tháng 3 đến hết tháng 4 hàng nằm là mùa thu hoạch sứa biển, với những người được sinh ra gần biển thì sứa là thức quà mà biển ban tặng, và nó trở nên thân thuộc trong các bữa ăn gia đình. Món ăn từ sứa thường khá dễ làm, lại không mất nhiều thời gian, sứa biển được chế biến thành nhiều món khác nhau như gỏi sứa, bún sứa, lẩu, canh sứa...
Nhộn nhịp mùa sứa biển
Cứ khoảng độ tháng 3 và tháng 4 là ngư dân các vùng ven biển lại đánh bắt sứa về chế biến thành nhiều món ăn ngon, nhiều món đặc sản khác nhau. Mỗi chuyến ra khơi ngư dân thường thu hoạch khoảng 3-5 tạ sứa, có bao nhiêu là bán sạch hết bấy nhiêu, có nhiều ghe tàu bắt được loại sứa biển cỡ lớn mà rất ít khi có được.
Tầm 6 giờ sáng tàu cập bờ là có sẵn người đến ở bờ tiếp nhận sứa biển tươi rói để làm sạch ngay tại chỗ. Công việc làm sạch sứa cũng không hề đơn giản, nếu không làm sạch thì chất nhầy trên sứa khiến người ăn bị ngứa và dị ứng. Cắt bỏ bình vôi trong cơ thể con sứa, đây là bộ phận chứa chất thải của sứa, sau đó xát muối sạch chất nhờn, tẩy tanh. Toàn bộ sản phẩm sứa sau khi chế biến xong thì nhập cho các nhà hàng, khách sạn, thương lái…
Trong Đông Y, thịt sứa biển có vị mặn, tính hàn, có công dụng tiêu đờm, trừ ho, thanh nhiệt… Một số món ăn từ sứa có thể hỗ trợ điều trị các bệnh viêm phế quản, mỡ trong máu… Sứa biển còn có tác dụng giải độc, bài trừ độc tố trong gan, thận có tính mát bổ thận, trị hen suyễn và đặc biệt tốt cho những người có tiểu sử bệnh đường ruột, viêm loét dạ dày, huyết áp cao.
Sứa biển là món ăn bổ và mát, được chế biến thành nhiều món ngon đặc sản như gỏi sứa (nộm sứa) hay nấu bún sứa, lẩu, canh sứa…
Gỏi sứa (Nộm sứa)
Gỏi sứa là món dễ bắt gặp ở hầu hết bữa cơm gia đình sống gần biển trong khoảng thời gian mùa sứa biển về. Gỏi sứa là món ăn ngon không chỉ hấp dẫn bởi vị giòn sần sật của từng miếng sứa hòa quyện với gia vị, tạo nên cảm giác khó quên ngay từ lúc thưởng thức miếng đầu tiên, mà gỏi sứa còn giúp bạn cảm thấy đỡ ngán khi ăn quá nhiều món thịt cá.
Hơn hết trong các cách chế biến thì món gỏi sứa vừa dễ chế biến lại vừa dễ ăn. Bên cạnh cái giòn đặc trưng của sứa, mang đậm hương vị của biển kết hợp thêm vị chua chua của xoài xanh, ngọt của nước trộn khiến nhiều người bị mê hoặc.
Để làm ra món gỏi sứa ngon và hấp dẫn, bạn chỉ cần chuẩn bị những nguyên liệu làm gỏi đơn giản như sứa và xoài xanh cùng một số rau, gia vị khác đi kèm. Chần sứa sơ qua bằng nước ấm rồi để ráo nước. Sau đó cho cà rốt, xoài xanh, dưa leo đã bào sợi vào thố nhỏ, rồi cho sứa đã chần vào, trộn thêm nước mắm đã pha sẵn gồm: 2 tép tỏi, 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước cốt chanh, 2 trái ớt băm nhuyễn. Trộn đều hỗn hợp trên và cho thêm 2 muỗng cà phê hạt nêm cho đậm vị. Trộn đều thêm 1 lần nữa, để 10 phút cho ngấm. Rồi lúc này mới cho thêm rau răm vào trộn đều, rắc thêm tiêu và đậu phộng rang sẵn lên trên mặt.
Gỏi sứa (nộm sứa) khi đã thấm đều gia vị ăn sẽ rất ngon, ăn kèm với bánh tráng giòn giòn nữa thì tuyệt hết sức. Đi dọc ven biển Việt nam từ Nam ra Bắc đều bắt gặp món gỏi sứa, món ăn dễ làm dễ ăn đến vậy, bạn phải nhất định nếm thử đặc sản của biển, để trải nghiệm một hương vị hoàn toàn thuộc về biển, bảo đảm bạn sẽ nhớ hoài cho xem!
Xem thêm và lưu lại công thức Gỏi sứa
Bún sứa
Sau gỏi sứa (nộm sứa) thì bún sứa cũng là một trong những món ngon quen thuộc với người dân vùng biển, người ta thường đùa nhau rằng miền Nam có bún cá, miền biển có bún sứa. Thậm chí, bún sứa đã nổi tiếng đến độ khiến nhiều thực khách trên khắp nơi tìm về để thưởng thức.
Món bún sứa đơn giản và thanh dịu như cái tên của nó, cái chân chất của người dân vùng ven biển. Bạn có biết để nấu được nước dùng của bún sứa, người dân vùng biển sẽ làm thế nào không? Họ tận dụng các loại cá để tạo ra vị ngọt thanh trong nước dùng, ninh các loại cá nhỏ, cá liệt và mang đến cái ngọt tự nhiên cho bún sứa.
Bún sứa thường sẽ không được nêm nhiều gia vị nên mới làm ra tô bún sứa dịu nhẹ và rất dễ ăn. Dĩ nhiên bún sứa thì điểm nhấn to đùng phải là những miếng sứa nhỏ, tươi ngon, mang màu trắng đục, nhìn qua thì cứ như là miếng rau câu nằm lẫn lộn trong bún vậy. Không chỉ có sứa mà trong bún sứa còn phải có chả cá biển dai dai và đậm đà đi kèm, chả cá được làm từ cá thu và cá đối.
Nếu mọi thành phần kết hợp có phần nhạt thanh thì chính những miếng chả cá đã trung hòa được hương vị của món bún sứa này. Bún sứa khi ăn được kèm với đĩa rau sống, nếu người nào ăn không quen thì có thêm chén nước mắm ớt để điều chỉnh bên cạnh. Tô bún sứa ngọt vị cá, sứa giòn tươi roi rói đem đến cho bạn một hương vị không thể nào chuẩn hơn được nữa.
Phải thử ngay món gỏi sứa và bún sứa nhân dịp mùa sứa biển về bạn nhé!
Xem thêm:
- 4 món ngon chế biến với cá nục đậm đà đưa cơm
- Cơm gia đình ngon lành với những món từ hải sản
- Cách làm lẩu Thái hải sản chua cay ngon lành