Cùng với đà đi lên của xã hội, rất nhiều ngành nghề mới ra đời, hấp dẫn giới trẻ. Bên cạnh ý định du học để phát triển tương lai, bạn có thể thành công bằng cách theo đuổi những nghề rất thú vị và mới lạ ngay tại Việt Nam.
Hiện nay, các ngành nghề liên quan đến kinh doanh đang có sức hút mạnh mẽ. Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tư nhân khiến cho ngành Quản trị kinh doanh (QTKD), Tài chính kế toán, Marketing (Tiếp thị)… ngày càng được ưa chuộng. 1. Ngành QTKD bao gồm: điều hành doanh nghiệp, quản lý nhân sự, tiếp thị, quản lý chất lượng sản phẩm, kinh doanh quốc tế... Người học QTKD thường có định hướng trở thành các nhà quản lý hay CEO (giám đốc điều hành) cho các công ty. Họ còn có thể nhắm tới vai trò làm cố vấn kinh doanh. Ngoài kiến thức và kỹ năng, họ cần một bầu máu nóng kinh doanh, sự mạo hiểm và ý chí thành công cao. 2. Một ngành nghề khác hấp dẫn không kém là Kế toán tài chính. Nhiều người theo học ngành này vì muốn trở thành chuyên viên làm việc cho các công ty, ngân hàng, tập đoàn tài chính, quỹ tài chính... Trong đó có những lĩnh vực mới ở VN là đầu tư tài chính, thị trường chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh địa ốc. Người theo nghề này không chỉ cần kỹ năng tính toán giỏi, kỹ lưỡng mà còn phải có tinh thần trách nhiệm cao. 3. Nghề Tiếp thị và Quảng cáo. Đây là chuyên ngành ngày càng mở rộng, thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực và sử dụng nhiều chuyên môn của nhiều ngành nghề khác nhau. 4. Ngành Du lịch. Ngành quản trị du lịch ngày nay không chỉ đóng khung trong kinh doanh lữ hành, nấu ăn, nhà hàng, khách sạn, mà bao gồm quản trị cao ốc và các khu giải trí. 5. Đặc biệt, nghề Quản trị thể thao (điều hành câu lạc bộ bóng đá, sân golf, tổ chức các giải và quản lý các công trình, sân bãi) đang là một nghề tiềm năng dù còn rất mới lạ ở VN. 6. Các ngành quản trị khác phổ biến ở nước ngoài nhưng còn hiếm hoi ở VN là: Quản trị sân khấu và các hoạt động nghệ thuật, quản trị y tế, quản lý siêu thị và cửa hàng. Đây là những ngành nghề đang được các bạn trẻ chú ý. 7. Nhiều bạn trẻ mong ước trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ngày nay có những ngành mới kết hợp giữa kinh doanh và công nghệ thông tin (CNTT) như: kinh doanh CNTT, quản trị thông tin... chứ không chỉ sản xuất phần mềm hay phần cứng. 8. Những ngành còn ít đào tạo ở VN gồm công nghệ y - sinh, công nghệ sinh học, công nghệ siêu nhỏ, kiến trúc quy hoạch, truyền thông đa phương tiện… Những ngành nghề hấp dẫn giới trẻ này đa số là do các trường nước ngoài đào tạo, chỉ có một số chuyên ngành được đào tạo tại VN.