Độc đáo Trại rắn Đồng Tâm

Phác thảo khu du lịch độc đáo

Trại rắn Đồng Tâm được thành lập ngày 27-10-1977, nằm trên địa bàn ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, cách thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khoảng 9km về hướng Tây.

Trại rắn được thành lập theo sáng kiến của Bác sĩ Trần Văn Dược (Tư Dược) - một người có kiến thức về rắn và say mê công việc nguy hiểm này. Mục đích nuôi rắn của ông Tư Dược là nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài rắn quý hiếm có trong sách đỏ đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm hướng dẫn cho khách tham quan.

Vào mỗi dịp lễ, Tết khách về tham quan Trại rắn Đồng Tâm rất đông.

Chỉ nghe nói đến một con rắn thì nhiều người đã muốn "nổi da gà", huống chi ở đây lại có hẳn một trại rắn. Với hàng chục loại và hàng nghìn con, trong đó có nhiều loại được xếp vào sách đỏ như hổ mây, cạp nong, cạp nia… vậy mà dưới bàn tay chăm sóc, huấn luyện của cán bộ, nhân viên trung tâm thì chúng đã trở nên e dè, hiền hòa như… một cô gái mới lớn. Và chính sự “nổi da gà” đó đã cuốn hút ngày càng nhiều người đến để được “thực mục sở thị”. Trung tâm đã và đang trở thành điểm tham quan du lịch độc đáo không riêng gì của khu vực sông nước Cửu Long.

Vào những dịp lễ, Tết lượng khách đến Trại rắn Đồng Tâm rất đông. Họ đến từ khắp mọi nơi trong cả nước, đặc biệt có rất nhiều đoàn khách là người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau cũng về đây tham quan, tìm hiểu.

“Để bảo đảm an toàn cho du khách, chúng tôi luôn xem khâu huấn luyện rắn là một vấn đề sống còn của đơn vị. Để huấn luyện được một con rắn, đòi hỏi người dạy phải có tay nghề cao. Ngoài những bài “làm quen với rắn” thì những nhân viên huấn luyện còn phải hiểu được tâm lý và tính cách của mỗi loài rắn, nếu không mỗi lần chúng mà hờn, dỗi thì chắc chắn có chuyện xảy ra. Những loài rắn hung dữ và nguy hiểm như hổ mang, hổ chúa, mái gầm… nhưng qua huấn luyện của bàn tay các nhân viên thì chúng đã trở nên rất… dễ gần. Du khách về đây tham quan sẽ thoải mái ngắm nhìn họ hàng nhà rắn… làm duyên”, Thiếu tá QNCN Trần Thị Thơm, vừa hướng dẫn cho khách tham quan, vừa cho chúng tôi biết.

Một góc nuôi rắn ở Trại rắn Đồng Tâm.

Chị Ngô Thúy Hòa, làm nghề hướng dẫn viên du lịch từ Huế nói với chúng tôi: “Tuy đã hướng dẫn khách về đây rất nhiều lần, nhưng Tết năm nào tôi cũng về đây, càng đi tôi càng thích. Ở đây thái độ phục vụ của nhân viên rất nhiệt tình, mến khách, giá cả rất phải chăng. Khách của tôi chủ yếu là khách nước ngoài, họ rất khó tính nhưng khi đến đây thì họ rất hài lòng. Khi về nước, họ lại giới thiệu cho bạn bè, người thân đến tham quan, tìm hiểu. Đó cũng là một lợi thế cho khu du lịch này”.

Bên cạnh các loài rắn đang sinh sống, điểm độc đáo ở trung tâm này còn có “Bảo tàng các loài rắn” - nơi lưu giữ hàng trăm mẫu rắn của nhiều loài sinh sống ở khu vực châu Á. Vào thăm bảo tàng, du khách sẽ có cảm giác như lọt vào thế giới của loài bò sát mà người xưa xem nó là một trong những loài biểu trưng của sức mạnh “nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng”. Bảo tàng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam”.

Chuyện cứu người ở trại rắn

Cùng với sự ra đời của trại rắn, Khoa điều trị rắn cắn cũng được thành lập. Thời gian qua, khoa đã không ngừng phát triển về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoàn thiện về chuyên môn nghiệp vụ và y đức, đáp ứng yêu cầu chữa trị cho các bệnh nhân. Hằng năm, khoa đã cấp cứu và điều trị rắn cắn cho hơn 10.000 ca từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Phước... nhiều bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch.

Nhân viên Trại rắn Đồng Tâm (cơ sở 2 ở TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) chuẩn bị lấy nọc rắn làm thuốc.

Theo chia sẻ của Trung tá, Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Tâm, Phó chủ nhiệm Khoa điều trị rắn cắn, rắn độc tấn công người ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở các khu đô thị mới có những nền nhà chưa cất, cỏ dại mọc nhiều, khi đi tập thể dục; thậm chí khi phơi đồ, làm cỏ, hái rau, trồng trọt, bắt cá, chặt củi… Người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường bị các loại như: Rắn hổ đất, chàm quạp, rắn lục, cạp nong, cạp nia… tấn công, gây toan máu, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Riêng với rắn lục đầu vồ đuôi đỏ - là loại có độc tính cao, tốc độ nhiễm nọc độc vào cơ thể rất nhanh. Nọc độc tập trung tấn công vào máu gây nhiễm trùng, phù nề hoại tử, nhiều trường hợp phải cắt bỏ chi thể nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

Một trường hợp sau khi bị rắn tấn công ở phần chân đến điều trị ở Trại rắn Đồng Tâm. Trung tá, Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Tâm điều trị cho một bệnh nhân bị rắn cắn.

Trong hàng trăm câu chuyện cứu người mà chúng tôi được nghe kể, cảm động nhất là chuyện của anh Nguyễn Hữu Tài, quê ở Bến Tre, vào năm 2019 được chuyển đến trong tình trạng rất nguy kịch do bị rắn cắn khi đang đi chăn bò. “Lúc đó khoảng 17 giờ, nhận được tin có một bệnh nhân chuyển tới bằng xe cứu thương trong tình trạng ngưng thở, ngừng tim, da niêm mạc tím tái. Hỏi qua người nhà, kết hợp với kinh nghiệm của mình, tôi chẩn đoán đây là bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn. Chúng tôi vừa phải đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch, vừa ấn tim ngoài lồng ngực. Phải một giờ sau, bệnh nhân mới có dấu hiệu vượt qua ngưỡng cửa tử thần. Một giờ cấp cứu là một giờ chúng tôi chiến đấu với thần chết, bằng tất cả sức mạnh của trí tuệ và ý chí... Trong lúc cấp cứu, có lúc tim bệnh nhân đã ngưng, đôi lúc có đập nhưng tiên lượng vẫn còn rất nặng gây ra nhiều rối loạn do cơ thể bị thiếu ôxy. Sau 33 giờ hôn mê phải thở máy, tim bệnh nhân đã có dấu hiệu đập trở lại, mặc dù lúc đầu còn yếu ớt, nhưng đó là dấu hiệu báo sự sống đã trở lại với bệnh nhân. Chúng tôi rất vui khi được nghe câu nói đầu tiên của bệnh nhân sau khi tỉnh lại: “Cảm ơn các bác sĩ trong khoa đã cứu sống tôi, nơi đây đã sinh ra tôi lần thứ hai”, Thượng tá Vũ Ngọc Lương, nguyên Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm kể lại.

Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm khẳng định: “Đây không phải là ca duy nhất, mà đã có hàng trăm trường hợp nguy cấp thời gian qua đã được các cán bộ, nhân viên nơi đây cứu sống. Niềm hạnh phúc của bệnh nhân cũng là niềm hạnh phúc của những người thầy thuốc mặc áo lính Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9”.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.

Link nội dung: https://edutainment.edu.vn/trai-ran-dong-tam-2-a70244.html