Trang phục truyền thống là sự đúc kết những sáng tạo của bậc cha ông ngày xưa và rồi trở thành một phần của văn hóa của đất nước. Những tà áo tứ thân, áo dài và áo bà ba từ lâu đã gắn bó với dân tộc Việt và thân quen với bạn bè năm châu. Tháng 03 này, các bạn nhỏ StarKids đã cùng nhau tìm hiểu và trải nghiệm đặc trưng về trang phục của ba miền Bắc - Trung - Nam. Những khám phá thú vị này qua đó còn thể hiện sự trân quý của tập thể StarKids và các bạn nhỏ đối với những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Thướt tha tà áo tứ thân miền Bắc
Áo tứ thân gắn liền với người phụ nữ Kinh Bắc từ ngày xưa, trong những sinh hoạt thường ngày cho đến hết thế kỉ 20. Về sau, áo tứ thân chỉ xuất hiện trên sân khấu, hay vào những dịp lễ Tết, cúng đình chùa hoặc hội Liêm.
Áo tứ thân thướt tha, dịu dàng tôn lên vẻ nữ tính của các thiếu nữ. Áo gồm 4 phần chính, áo dài tứ thân khoác bên ngoài, áo yếm, dây thắt lưng và váy dài. Phần áo tứ thân bên ngoài có hai vạt, bốn tà, không có khuy, dài và có tay áo. Yếm là chiếc áo cánh mỏng, có màu tối thường dành cho các phụ nữ đứng tuổi hoặc màu trắng, đào, thắm đỏ dành cho các cô gái trẻ. Những cô gái còn tinh tế thêu vào áo những hoa sen hay họa tiết cầu kỳ. Áo tứ thân còn kết hợp với khăn mỏ quạ, nón quai thao, cùng các cô gái đến dự các lễ hội đình làng.
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Áo tứ thân ngày xưa gắn liền với những hoạt động thường ngày của một cô gái Kinh Bắc. Từ việc làm nương rẫy, dệt lụa, nuôi tằm, hay tát nước đầu đình đều gắn liền với chiếc áo yếm và áo tứ thân vừa thướt tha vừa mộc mạc kín đáo.
Ngày nay, có lẽ hình ảnh dải yếm đào, áo tứ thân hay khăn mỏ quạ dần ít xuất hiện hơn, nhường chỗ cho thời trang hiện đại, năng động về sau, nhưng đâu đó trong ngăn tủ của bà hay mẹ vẫn có vài bộ tứ thân được lưu giữ cẩn thận, vừa để diện vào những dịp lễ quan trọng và truyền lại cho con cháu về những nét tinh hoa của trang phục người Việt xưa.
Khúc ruột miền Trung duyên dáng với tà áo dài Huế tím mộng mơ
Theo nguồn gốc ra đời, áo dài được xếp vào trang phục truyền thống của miền Trung. Sự thướt tha, duyên dáng và quý phái là điều khiến cho áo dài trở thành quốc phục của đất Việt. Nhắc đến khúc ruột miền Trung, không thể không nhắc đến tà áo dài tím của xứ Huế mộng mơ.
Theo dòng lịch sử, áo dài được cải biến qua rất nhiều kiểu dáng. Áo dài gồm 2 phần chính là phần áo và phần quần. Phần áo với hình dáng truyền thống gồm hai tà áo dài qua gối 20cm, tay áo dài đến cổ tay và cổ áo đứng. Phần tà áo là nơi thể hiện nghệ thuật của những nhà thiết kế, với hình ảnh long phụng, hoa sen hay họa tiết được in hoặc thêu lên một cách tinh xảo. Phần ống quần dài chạm đất, thường cùng chất liệu với vải áo.
Ngày nay, áo dài chính là “gương mặt thương hiệu” của người Việt trước bạn bè quốc tế. Áo dài xuất hiện mọi nơi trong đời sống, áo dài lộng lẫy trên đấu trường sắc đẹp quốc tế, áo dài trang nghiêm trong các lễ hội hay áo dài trắng ngây ngô của các cô học trò.
Áo dài ngày nay là sự lưu giữ những nét truyền thống vừa được kết hợp với hơi thở hiện đại với các biến tấu về hình dáng tà áo, tay áo và cổ áo. Các nhà thiết kế đã thổi vào đấy sự phá cách của riêng mình. Các mẫu áo dài cổ thuyền, cổ tròn, hay tay áo phồng, tay áo ngắn, tà áo ngắn ngang gối,.. dần xuất hiện mang đến màu sắc trẻ trung hiện đại cho tà áo dài. Nhưng dù với hình dạng nào, áo dài vẫn luôn thể hiện được sự nữ tính, duyên dáng của người mặc và luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt.
Mộc mạc áo bà ba miền Nam
Nhắc đến áo bà ba, ta lại nghĩ ngay đến miền Tây sông nước với những con người hiền hậu chất phác. Áo bà ba gắn liền với hình ảnh cô giao liên anh hùng thời chống giặc cứu nước, hay những bác nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời chăm lo ruộng đồng và cùng những nàng thiếu nữ lái đò với điệu hò quê hương lênh đênh trên sông nước.
Áo bà ba tay dài, vạt áo cách gối 20cm, có thể có túi hai bên vạt, mặc với quần, kèm thêm nón lá, khăn rằn là đậm chất miền Tây. Ngày xưa, với tầng lớp quý tộc, áo bà ba thường có nhiều màu sặc sỡ, hồng, xanh dành cho các tiểu thư hoặc vàng, trắng dành cho các quý bà. Đối với tầng lớp nông dân, dân thường áo bà ba thường màu đen hoặc nâu, thích hợp với các hoạt động hằng ngày.
“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời.”
(Trích trong bài hát Chiếc áo bà ba của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh)
Một chút mộc mạc pha lẫn nét truyền thống lưu lại từ ngàn đời luôn là cách mà trang phục Việt Nam gìn giữ cho đến ngày nay. Những minh chứng sát thực nhất cho những vẻ vang của lịch sự cùng sự đa dạng của văn hóa Việt. Trang phục truyền thống Việt Nam xứng đáng là niềm tự hào và những đóa hoa rực rỡ tô điểm cho bức tranh văn hóa chung của dân tộc Việt.
Các bạn nhỏ StarKids đã có rất nhiều trải nghiệm khám phá thú vị và hấp dẫn, ba mẹ cùng xem nhé!
Nhuộm vải
Thiết kế và trang trí áo yếm cho trang phục áo tứ thân
Vẽ trên vải
Trải nghiệm thú vị khi mặc trang phục đặc trưng của ba miền
Khám phá chất liệu vải
Link nội dung: https://edutainment.edu.vn/trang-phuc-mien-nam-a70588.html