Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, nhưng vì cơ duyên nào đó đã đẩy tôi lưu lạc vào tận xứ Huế thân thương này. Trước khi tới Huế làm việc, ai cũng can ngăn, bảo tôi là sao không chọn các thành phố lớn mà vào Huế làm gì, buồn lắm. Ấy thế mà tôi đã ở Huế được gần 2 năm rồi đấy.
Một thân một mình vào lập nghiệp nơi xứ người, ngoài tự mình khám phá cảnh vật, văn hóa con người nơi đây thì tôi cũng không có nhiều bạn. Sở thích duy nhất của tôi là mỗi buổi chiều sau khi tan làm là đeo tai nghe, bật cho mình một list nhạc yêu thích và chạy bộ vòng quanh sông Hương. Dần dần, tình yêu đối với dòng sông này cứ lớn lên trong tôi.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi cũng đã từng tiếp xúc với sông Hương qua tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường. Lúc ấy, qua lời văn của tác giả miêu tả, tôi cũng phần nào tưởng tượng được vẻ đẹp tuyệt vời của sông Hương. Dòng sông uốn lượn chảy qua chùa Thiên Mụ, rồi ôm trọn Cồn Dã Viên lướt qua thôn Vĩ Dạ rồi chạy qua Cồn Hến mà đến thẳng phố cổ Bao Vinh. Những ký ức mơ màng đó đã được tái hiện sau khi tôi được sống và làm việc tại nơi đây.
Nói đến Huế thì chắc hẳn không ai là không biết đến sông Hương. Đây là một con sông lớn, chảy từ rừng núi đại ngàn, băng qua những di tích lịch sử đầy thăng trầm, uốn qua những ruộng đồng bát ngát rồi mới chảy qua thành phố Huế thân thương. Đây cũng gần như là đoạn cuối của con sông thế nên nước trôi rất yên bình, phẳng lặng, khiến đôi lúc tôi còn nhầm tưởng là dòng sông đang đứng yên, không còn chảy nữa.
Bắc qua sông Hương khu vực trung tâm thành phố Huế có 3 cây cầu nổi tiếng mà ai đã từ đến đây du lịch chắc hẳn đều đã đi qua, đó là cầu Dã Viên, cầu Phú Xuân và cây cầu nổi tiếng nhất bắc qua sông Hương là cầu Trường Tiền.
Cứ chiều chiều ngày nắng đẹp, tôi lại xách giày chạy bộ xung quanh sông, và tôi nhận thấy trong cuộc sống thường ngày đối với người dân xứ Huế thì sông Hương như là một mảnh ghép không thể thiếu với con người nơi đây. Sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, ai cũng muốn tìm cho mình một góc yêu thích bên cạnh sông Hương mà đắm chìm vào các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí cùng gia đình và người thân.
Đầu tiên là tốp người đi bộ, nào là người già, người trẻ, những cặp đôi yêu nhau, những đứa trẻ chạy lon ton bên cạnh cha mẹ, và kể cả những bệnh nhân đang chữa trị ngay ở bệnh viện Trung ương Huế cũng ra bên sông Hương tản bộ mà đắm chìm trong vẻ đẹp hai bên bờ sông như là liều thuốc tinh thần giúp họ chống chọi lại với bệnh tật. Bên cạnh tốp đi là tốp chạy bộ, tốp này áo quần, giày, tất gọn gàng, đeo thêm tai nghe nữa là cố gắng chạy để mà hoàn thành những mục tiêu mà mình đề ra.
Tôi cũng là thành phần ở trong tốp chạy, nhưng tốp chạy của tôi lạ lắm. Cứ chạy được một lúc mà thấy hoàng hôn trên sông Hương đẹp quá là lại tìm cho mình một góc, ngồi lại và thưởng thức cảnh đẹp có một không hai này. Bên cạnh những tốp hoạt động đông người như đi dạo hoặc là chạy bộ thì cũng có những tốp nhỏ hòa mình bên những hoạt động tập thể, như đánh cầu lông, trượt ván, tập thể hình, thả diều, thể dục nhịp điệu,... Tất cả tạo nên thành một nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt và đẹp đẽ bên dòng sông Hương nơi xứ Huế.
Khi mặt trời đã khuất, bóng tối bao phủ lên dòng sông Hương, dường như những bộn bề, nhộn nhịp ban ngày đã bị dịu dần cùng màn đêm buông xuống. Trên những con thuyền rồng trôi chầm chậm giữa dòng sông Hương, những khúc hát dân ca xứ Huế lại được vang lên và đêm ca Huế cũng từ đó được bắt đầu.
Năm 2018, cầu gỗ lim nối dài tuyến phố đi bộ nằm giữa cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân được hoàn thành. Cây cầu nằm trên sông Hương này là công trình kiến trúc biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc, và bây giờ cầu gỗ lim là biểu tượng nổi tiếng khi nhắc đến sông Hương. Đây là một địa điểm yêu thích của giới trẻ cũng như khách du lịch. Đi dạo trên cầu gỗ lim buổi tối còn ngắm được từng chiếc thuyền rồng trôi chậm, chở đầy những khúc hát dân ca xứ Huế và thấy được vẻ đẹp qua thời gian của cầu Trường Tiền hùng vĩ bắc ngang qua dòng sông Hương.
Đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, sông Hương như là khúc ruột gắn liền không thể chia cách ở nơi đây. Sông Hương cung cấp nhiều nguồn lực tự nhiên cho các ngành kinh tế cơ bản của tỉnh, như là: nước ngọt cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, các loại khoáng sản cho công nghiệp khai khoáng, đánh bắt, chế biến thủy sản và đặc biệt là lợi ích về du lịch mà sông Hương mang lại.
Tuy nhiên hiện nay, môi trường nước sông Hương đang có diễn biến theo chiều hướng xấu đi, một số đoạn sông đang bị ô nhiễm nặng. Nguyên nhân chính là do các rác thải sinh hoạt của dân cư và chất thải từ các nhà máy xung quanh lưu vực.
Sông Hương mang lại tiềm năng du lịch cực kỳ lớn. Để phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch, theo tôi nên đẩy mạnh các hoạt động, thể thao, vui chơi giải trí trên sông Hương như là; chèo thuyền kayak, đua thuyền truyền thống, bóng chuyền trên nước,... biến nó thành các hoạt động truyền thống, lễ hội hằng năm. Tỉnh cũng nên học hỏi thêm các địa phương có hoạt động du lịch sông mạnh, sáng tạo thêm các hoạt động mới nhằm thu hút khách du lịch.
Bên cạnh sự đổi mới, tôi mong tỉnh sẽ đẩy mạnh các chương trình bảo vệ môi trường, can thiệp ngay các trường hợp đang cố ý làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường nước ở con sông này. Chính quyền địa phương nên thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về ô nhiễm môi trường với khu vực xung quanh chỗ ở của dân cư và đặc biệt là hạn chế xả thải ra khu vực sông Hương.
Mặc dù mới chỉ ở Huế gần 2 năm, nhưng tôi thực sự rất yêu nơi đây và dành tình cảm đặc biệt đối với dòng sông Hương. Những lúc buồn, vui, thăng trầm nơi xứ người cũng chỉ lẳng lặng ra bên bờ sông đắm chìm trong những dòng suy nghĩ. Sông Hương vẫn ở bên, hiện diện như là người bạn đồng hành động viên nhau mà vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và sông Hương sẽ luôn là điểm đến ưu tiên của tôi. Tôi hy vọng cuộc sống người dân hai bên bờ sông Hương sẽ ngày một phát triển, song vẫn bảo vệ và giữ cho vẻ đẹp của con sông nguyên vẹn như giá trị của nó mang lại từ đầu.
Lê Trọng Nghĩa
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Link nội dung: https://edutainment.edu.vn/song-huong-a72170.html