Người học là ai?

Biến cố do Covid-19 khiến giáo dục truyền thống phải chuyển sang trực tuyến, học sinh phải tự học là một thử thách nhưng cũng là một cơ hội để chúng ta tư duy lại một cách nghiêm túc về nhiều khía cạnh, nhiều câu hỏi trong giáo dục. Bài viết này chỉ đưa ra một số chấm phá liên quan đến câu hỏi về vai trò của người học, tức là đi trả lời câu hỏi căn bản: học sinh là ai?

Giáo dục khởi đi từ học sinh, thậm chí là từ từng học sinh là điều mà Phần Lan đang làm rất tốt. Ảnh:The Nordic Council and the Nordic Council of Ministers.

Học sinh là chủ thể duy biệt

Học sinh là ai? Dĩ nhiên các em là những con người, những trẻ em, những chủ thể duy nhất và khác biệt (duy biệt). Trẻ em không phải là tờ giấy trắng trống trơn để rồi người lớn có thể vẽ lên đó những gì người lớn muốn. Người học không phải là cái bình trống để người lớn lấp đầy những gì mình muốn, mà là ngọn lửa mà những người làm giáo dục phải tìm cách thắp sáng lên, nói theo cách của triết gia người Pháp Michel de Montaigne.

Nghĩa là mỗi người học là một chủ thể duy nhất, không có một bản sao y hệt khác trong hàng tỷ tỷ con người từ xưa đến nay. Vì là bản thể duy nhất nên người học cũng khác biệt nhau. Đây là điều tự nhiên, gắn với thân phận của con người, là một đặc ân, một sự cao trọng mà Thượng Đế ban tặng cho riêng từng con người mà ở loài vật không có. Maria Montessori đã mô tả sự duy biệt và cả sự cao quý của con người qua hình ảnh ví von “Con người là sản phẩm làm bằng tay của Thượng Đế”, khác với sản phẩm được sản xuất hàng loạt kiểu công nghiệp. Chúng ta hãy hình dung, mỗi một con người là một sản phẩm độc đáo do Thượng Đế kỳ công sáng tạo trong tình yêu của Ngài, và vì làm bằng tay, nên con người là những bản thể khác biệt nhau, mà ở đây chúng ta đang bàn về sự duy biệt của người học.

Tính duy biệt nơi người học thể hiện trên nhiều phương diện: về cách vận hành của não bộ, cách học, cách đón nhận thông tin, các loại hình thông minh, các đặc điểm tâm thể lý, hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình của người học, “vốn văn hóa” mà người học thụ hưởng trong gia đình và môi trường sống xung quanh v.v.

Một kế hoạch giáo dục, một giáo án, một cách thức giảng dạy chất lượng là những điều phải khởi đi từ học sinh, thậm chí là từ từng học sinh.

Tất cả những điều trên mang tính cá nhân, ảnh hưởng lên quá trình hình thành nhân cách, trên căn tính của từng học sinh, và tất cả lại ảnh hưởng đến việc học của từng em.

Não bộ và việc học

Não bộ là lối đi bắt buộc của sự học, vì chẳng ai có thể học được gì nghiêm túc nếu không thông qua não bộ, không động não ít nhiều. Thế nhưng chúng ta đã hiểu được về bộ phận quan trọng này bao nhiêu?

Não bộ, bộ phận mà chúng ta thường ví như gáo dừa trên cổ mỗi người chứa khoảng 100 tỷ nơ ron thần kinh. Để trao chuyển thông tin, các nơ ron này kết nối với nhau bằng các tua dài. Mỗi một nơ ron có thể thực hiện vài chục ngàn kết nối với các nơ ron khác, tạo thành các mạng lưới vô cùng phức tạp, có thể tập hợp đến hai triệu tỷ kết nối (Giordan, 2016, tr, 75). Nghĩa là não người ẩn chứa những khả năng vô cùng to lớn mà đến nay con người vẫn chưa hiểu về “vũ trụ” nhỏ bé nhưng vĩ đại của chính mình bao nhiêu. Các dữ liệu khoa học hãy còn chắp vá và còn nhiều khoảng trống, nhiều câu hỏi cần các nhà nghiên cứu trả lời. Tuy vậy, sự phát triển của khoa học công nghệ như điện não đồ ngày nay cũng đã cho phép chúng ta hiểu biết hơn nhiều hơn so với trước đây, và điều này rất hữu ích cho những người làm giáo dục.

Chẳng hạn người ta biết não được chia thành nhiều vùng, nhiều trung tâm và vô số cấu trúc khác nhau. Năm 1909, nhà phẫu thuật người Đức Korbinian Brodmann đã mô tả có tới 52 bộ phận chỉ riêng tại vỏ não. Mỗi một vùng hay trung tâm đó lại liên hệ đến một, hay một số khả năng, ví như khả năng về ngôn ngữ, logic, toán học liên quan đến não trái (Howard Gardner), những gì mà trường học trên khắp thế giới rất đề cao, trong khi các khả năng về nghệ thuật như hội họa, âm nhạc lại liên quan đến não phải, những gì trường học có giảng dạy, nhưng chỉ như là những môn phụ không quan trọng. Thế nhưng thật trớ trêu, một số nghiên cứu cho rằng những môn nghệ thuật mang nhiều cảm xúc này lại liên quan rất nhiều đến trí nhớ, đến khả năng sáng tạo và lập luận, những thứ cần thiết giúp học tập, nghiên cứu một cách hiệu quả. Tạp chí Nature đã công bố một nghiên cứu trong đó “các nhà nghiên cứu đã đánh giá rằng âm nhạc cổ điển có thể cải thiện khả năng lập luận trừu tượng (đặc biệt là khả năng được vận dụng vào toán học, hoặc môn cờ vua) bằng cách củng cố sự kết nối giữa các phần khác nhau của não. Họ cho rằng chìa khóa của kết quả này chính là tính phức hợp của bản nhạc (theo nghĩa: được soạn rất công phu). (Bruno, 2014, tr. 64).

Người học là ai? Chúng ta hay bàn tới các lý thuyết, mô hình giáo dục mà quên hoặc ít tiếp cận từ người học. Điều quan trọng là giáo viên phải được đào tạo, phân quyền để trở thành những chuyên gia giáo dục có khả năng thấu hiểu từng học sinh. Ảnh: Trường THCS Thực nghiệm.

Tuy vậy, cho đến nay người ta không tìm thấy một vùng, một trung tâm hay một cấu trúc của não bộ liên quan đến sự học, kiểu như trung tâm điều phối ngôn ngữ (được xác định bởi bác sĩ người Pháp Paul Broca), mà biết rằng sự học dựa trên các vùng khác nhau. Các vùng này giải mã thông tin, tập hợp, xử lý các dữ liệu khác nhau. Hàng tỷ thông điệp được trao đổi qua lại giữa chúng một cách chóng vánh, tạo ra một hiện tượng kinh ngạc nơi con người mà loài vật không có: con người tư duy (Giordan André, 2016, tr. 69). Con người có khả năng tư duy, tức là có khả năng học tập.

Việc học tập, tức là việc thâu nhận kiến thức và các kỹ năng không xảy ra một cách tuyến tính, theo đường thẳng từ bên ngoài vào người học kiểu như cách hoạt động của một máy ghi âm hay ghi hình. Mà điều này tùy thuộc vào người học, người học là chủ thể, là tác giả của những gì được học (xem Giordan, 2016). Nghĩa là người học đóng vai trò quyết định trong việc lựa lọc, đánh giá, đối chiếu, suy xét và cuối cùng là quyết định thâu nạp hay không, và thâu nạp ở mức độ nào. Việc học được một điều mới là một quá trình kết nối, tương tác trao đổi, phối hợp giữa các nơ ron thần kinh, các bộ phận khác nhau của não bộ, giữa não bộ và các giác quan khác nơi người học, giữa người học và môi trường xung quanh, giữa kinh nghiệm, quan điểm có sẵn của người học và kiến thức mới. Tất cả những gì thuộc về người học mang tính duy biệt nên kiến thức được đón nhận cũng mang tính riêng, cá nhân và do đó là mang tính chủ quan, nhưng vì người học sống trong một môi trường xã hội với một bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế nhất định, nên kiến thức cũng mang những nét chung, chịu ảnh hưởng ít nhiều từ những “ý thức chung” (sens commun).

Công việc đầu tiên và quan trọng nhất của một giáo viên khi nhận một lớp học là nghiên cứu, quan sát từng học sinh để nắm rõ tất cả những đặc điểm riêng của từng em như đã trình bày, từ đó lên từng kế hoạch, thiết kế từng giáo án phù hợp với từng con trẻ để giúp trẻ tự phát triển tốt nhất theo cách của mình. Điều mà chúng ta gọi là phương cách “khác biệt hóa” trong giáo dục.

Điều này giải thích tại sao trước cùng một bài giảng, nhưng cách hiểu và mức độ thâu nhận của từng học sinh là khác nhau. Vậy nên một kế hoạch giáo dục, một giáo án, một cách thức giảng dạy chất lượng là những điều phải khởi đi từ học sinh, thậm chí là từ từng học sinh, những điều Phần Lan đã làm rất tốt mà tôi đã trình bày trong cuốn sách của mình (Nguyễn Khánh Trung, 2015). Công việc đầu tiên và quan trọng nhất của một giáo viên khi nhận một lớp học là nghiên cứu, quan sát từng học sinh để nắm rõ tất cả những đặc điểm riêng của từng em như đã trình bày, từ đó lên từng kế hoạch, thiết kế từng giáo án phù hợp với từng con trẻ để giúp trẻ tự phát triển tốt nhất theo cách của mình. Điều mà chúng ta gọi là phương cách “khác biệt hóa” trong giáo dục.

Tóm lại, não bộ không hoạt động như một máy vi tính, trí nhớ không phải là thư viện khô khan mà phụ thuộc vào tâm trạng và cảm xúc của người học, thông tin từ bên ngoài vào não không đi theo một đường thẳng mà phụ thuộc rất nhiều vào những gì người học có, nhất là phụ thuộc vào quan điểm, bộ lọc sẵn có của người học. Não bộ, một bộ máy hết sức tinh vi với những khả năng tiềm tàng, khả năng học tập đã được thiên nhiên ban tặng cho con người một cách công bằng và hào phóng từ khi con người đang nằm trong bụng mẹ. Montessori đã cho rằng trẻ nhỏ có khả năng tham gia tương tác với môi trường vật lý và xã hội xung quanh để góp phần kiến tạo nên môi trường, cũng như có khả năng tự phát triển, tự giáo dục bản thân. Vị bác sĩ người Ý này khuyên người lớn nên đóng vai “voi mẹ” thong thả bước sau con của mình để tạo một môi trường an toàn cho con tự lớn lên về mặt thể chất và tinh thần, chứ không vội vàng can thiệp, làm thay. Những hành động như vậy bị nhà giáo dục nổi tiếng này xem là “hủy diệt linh hồn của trẻ”. Các nghiên cứu và các phát hiện sau này về khả năng của não bộ con người đã chứng minh cho những nhận xét của nhà giáo dục này.

Khả năng thấu hiểu từng học sinh

Người học là duy biệt xét về nhiều mặt và là tác giả của những gì mình có liên quan đến sự học mà bài viết ngắn này chỉ vừa mới đưa ra một vài chấm phá để chúng ta cùng nhau suy nghĩ. Lịch sử giáo dục của các quốc gia, cũng như những gì đang xảy ra trên thế giới cho chúng ta thấy, quốc gia, xã hội nào tôn trọng và biết bám trên những điểm căn bản này để thiết kế nên những trường học, những cách thức giáo dục phù hợp, thì quốc gia đó có một nền giáo dục chất lượng, tử tế, đào tạo được những công dân chất lượng, thúc đẩy quốc gia đó phát triển mà người ta hay nhắc đến Phần Lan như một ví dụ điển hình.

Việc đặt học sinh làm trung tâm, khởi đi từ người học để giúp người học tự phát triển tối đa theo cách của mình không thể xảy ra trong một hệ thống quản lý giáo dục tập quyền kiểu như “sách giáo khoa là pháp lệnh”, kiểu mà người ta thường ví von như đầu bếp của Bộ giáo dục lên một thực đơn, tự nấu các món ăn theo gu của mình và bắt mấy chục triệu học sinh trên cả nước phải ăn bất chấp nhu cầu, sự khác biệt trong khẩu vị của từng cá nhân, từng vùng miền thế nào. Hình thức áp đặt đồng loạt như thế có thể phù hợp với một nhóm học sinh nào đó nhưng không bao giờ đem lại “hạnh phúc” cho tất cả, không tạo được động lực cho tất cả vì nó phản lại với tính duy biệt mà chúng ta đã nhấn mạnh, và do đó cũng đi ngược lại với bản chất tự nhiên của con người.

Việc đặt học sinh làm trung tâm, khởi đi từ người học để giúp người học tự phát triển tối đa theo cách của mình không thể xảy ra trong một hệ thống quản lý giáo dục tập quyền kiểu như “sách giáo khoa là pháp lệnh”.

Từ xưa đến nay, chúng ta hay bàn đến các lý thuyết, các tư tưởng, các mô hình giáo dục mà quên hoặc ít tiếp cận từ người học. Chúng ta đang “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, những người chủ trương cũng đã cố gắng để gần hơn với các phương thức giáo dục tiến bộ, nhưng dường như vẫn chưa bắt đầu từ người học. Khi chúng ta khởi đi từ người học, thì sẽ không có chuyện theo mô hình A và gạt bỏ mô hình B mà là câu chuyện mô hình nào sẽ phù hợp với học sinh nào, cũng như câu chuyện mô hình sẽ trở thành thứ yếu. Điều quan trọng là giáo viên phải được đào tạo, được phân quyền, để trở thành những chuyên gia giáo dục có khả năng thấu hiểu từng học sinh, có khả năng phối hợp với các bên để lập kế hoạch cho từng em, biết tạo ra một môi trường thúc đẩy tinh thần hiếu tri, khơi gợi động lực, trang bị cho học sinh các khả năng và thói quen truy vấn, phản biện để các em không bị xô ngã trong một thế giới đầy rẫy các thông tin thật giả lẫn lộn như ngày nay. Triết gia Rousseau (1762), tác giả của Emile hay là Giáo dục đã viết: “Tạo cho trẻ sự ham thích này [ham thích học] […], thì phương pháp nào cũng sẽ tốt.”□ —- Chú thích * Ý chính của bài viết này đã được trình bày trong Hội thảo Quốc tế (online) được tổ chức bởi AVSE và Đại học Giáo dục hà Nội, ngày 09/06/2020. Tài liệu tham khảo Giordan, A. (2016). Apprendre. Paris: Belin. Hourst, B. (2014). J’aide mon enfant à mieux apprendre. Paris : Editions Eyrolles. Lillard, P. (1996). Phương pháp Montessori ngày nay. (Dịch bởi Nguyễn thúy Uyên Phương, 2014). Hà Nội : Nxb. KHXH. Nguyễn Khánh Trung. (2015). Giáo dục Việt Nam và Phần Lan - Một nghiên cứu so sánh điển hình về vai trò các chủ thể tại hai trường tiểu học công lập của hai nước. Hà Nội: Nxb. KHXH. Thomas, A. (1999). 7 loại hình thông minh - Nhận biết và phát triển trí năng tiềm ẩn (Dịch bởi Mạnh Hải và thu Hiền, 2018). Hà Nội : Nxb : Lao Động - Xã hội.

Link nội dung: https://edutainment.edu.vn/nguoi-hoc-la-gi-a72190.html