Uniswap là sàn DEX trên Ethereum cho phép người dùng giao dịch token ERC-20 mà không cần thông qua bất kỳ bên trung gian nào. Kể từ khi ra mắt, Uniswap luôn là sàn DEX hàng đầu trong thị trường crypto dựa trên các chỉ số như TVL, khối lượng giao dịch,... Hãy cùng Coin68 tìm hiểu về Uniswap thông qua bài viết dưới đây nhé!
Uniswap (UNI) là gì? Tìm hiểu về sàn DEX hàng đầu trong thị trường crypto
Uniswap là sàn DEX trên Ethereum cho phép người dùng giao dịch token ERC-20 mà không cần thông qua bất kỳ bên trung gian nào. Uniswap sử dụng cơ chế AMM nhằm thay thế Order Book (sổ lệnh) bằng một pool chứa các cặp token được LP cung cấp thanh khoản để hỗ trợ người dùng giao dịch trực tiếp với pool đó.
Uniswap là gì?
Bên cạnh hoạt động swap token, cung cấp thanh khoản cho pool thanh khoản thì người dùng còn có thể giao dịch NFT trên NFT Marketplace của Uniswap. Tại đây, người dùng có thể tiết kiệm 15% phí gas khi giao dịch NFT thông qua NFT Marketplace của Uniswap. Ngoài ra, Uniswap đang hoạt động với phiên bản V3 hỗ trợ người dùng swap token, cung cấp thanh khoản trên nhiều blockchain khác ngoài Ethereum như BNB Chain, Arbitrum, Optimism,...
Uniswap V1 được ra mắt vào năm 2008 và được biết đến là là AMM DEX đầu tiên trên thị trường crypto được phát triển bởi Hayden Adams - Founder và CEO của dự án. Phiên bản Uniswap V1 sử dụng AMM dựa theo công thức x*y=k nhưng chỉ hỗ trợ giao dịch giữa altcoin và ETH. Điều này đã gây ra hạn chế cho những người muốn swap giữa 2 altcoin với nhau khi cần phải swap từ altcoin sang ETH rồi từ ETH sang altcoin khác.
Uniswap V1
Vì là phiên bản đầu tiên nên gặp khá nhiều hạn chế nhưng Uniswap V1 được xem như phát minh sáng tạo trong thị trường crypto lúc bấy giờ và là nguồn cảm hứng cho các DEX được ra đời sau này. Uniswap V1 cũng tạo ra tiền đề cho sự bùng nổ của thị trường DeFi khi bản nâng cấp Uniswap V2 được ra mắt.
Uniswap V2 được ra mắt vào năm 2020 và mang lại một số cải tiến so với phiên bản V1. Một trong những thay đổi quan trọng nhất là việc giới thiệu các cặp token ERC-20 cho phép LP có thể tạo smart contract cho các pool cho bất kỳ 2 token ERC-20 nào và cung cấp thanh khoản cho pool đó. Từ đây, người dùng có thể swap các token ERC-20 qua lại với nhau mà không cần swap trung gian sang ETH.
Uniswap V2
Uniswap V2 cải thiện rất nhiều so với V1 với việc giảm phí gas và đưa ra các tính năng mới như flash swap. Sau khi phiên bản V2 được phát hành, Uniswap bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ và đưa DeFi trở thành một trend lớn lúc bấy giờ gọi là “DeFi Summer”.
Trong Uniswap V2, tính thanh khoản theo mô hình x*y=k trên toàn bộ phạm vi giá từ 0 đến vô cực giúp người dùng có thể swap token ở bất cứ giá nào với bất kì khối lượng nào. Tuy nhiên, giá không hề chạy từ 0 đến vô cực mà thường chỉ chạy trong 1 khoảng giá cố định. Nếu giá token nhỏ hoặc lớn khoản giá cố định thì người dùng sẽ bị trượt giá cao khi swap token và LP cũng sẽ bị Impermanent Loss (tổn thất tạm thời). Từ đây, phiên bản V3 đã được phát triển nhằm giải quyết vấn đề hạn chế của V2.
Uniswap V3 được ra đời vào năm 2021 nhằm giải quyết những hạn chế của phiên bản V2. Uniswap V3 đã tăng hiệu quả sử dụng vốn và giảm tổn thất tạm thời bằng cách cho phép LP cung cấp thanh khoản trong một vùng giá cụ thể với cơ chế Concentrated Liquidity (thanh khoản tập trung). Ngoài ra, phiên bản V3 còn cho ra mắt nhiều tính năng quan trọng khác như: Range Orders, NFT LP token, các mức phí giao dịch cho LP, NFT Marketplace, tích hợp các chain mới ngoài Ethereum,...
Uniswap V3
Phiên bản Uniswap V4 được giới thiệu vào ngày 13/06/2023 với những tính năng chính như gộp các pool vào một smart contract, Flash Accounting và Hooks. Các tính năng này sẽ mang cho Uniswap một bước đột phá lớn không chỉ cải thiện hiệu quả so với các phiên bản trước mà còn có thể nâng cấp cả mảng DEX. Những tính năng mới được giải thích như sau:
Gộp các pool vào một smart contract: Với phiên bản V3, mỗi pool giao dịch sẽ là một smart contract riêng lẻ và điều này sẽ dẫn đến mức phí gas đội lên không đáng có cho người tạo lập pool. Phiên V4 sẽ đưa tất cả các pool tích hợp vào một smart contract duy nhất để giảm phí gas và có thể swap token với một lệnh gọi duy nhất cho dù qua nhiều pool.
Flash Accounting: Đây là tính năng kế toán chỉ ghi nhận số dư thay đổi thay vì thực sự dịch chuyển tài sản ra vào pool sau mỗi lần swap trong phiên bản V3. Cơ chế kế toán này sẽ được hỗ trợ bởi EIP-1153 (đề xuất dự kiến sẽ được đính kèm trong nâng cấp Cancun sắp tới).
Hooks: Đây sẽ là smart contract hỗ trợ tối ưu hoá thanh khoản cho Uniswap với cơ chế phí linh hoạt, các lệnh limit on-chain và tích hợp oracle hiệu quả hơn.
Nhìn chung, những thay đổi trong phiên bản V4 này của Uniswap rất đáng chờ đợi, vì nó giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng khi thực hiện giao dịch on-chain (bao gồm phí giao dịch, các lệnh limit và giải quyết bài toán lợi ích cho các LP). Tuy nhiên, nâng cấp Dencun (sự kết hợp giữa Deneb và Cancun) của Ethereum có thể không diễn ra trong năm nay nên chúng ta sẽ phải chờ đợi sự ra mắt của Uniswap V4 thêm 1 thời gian nữa.
Mô hình cốt lõi của Uniswap nằm ở cơ chế AMM theo công thức x*y=k với pool thanh khoản để người dùng giao dịch token trực tiếp với pool đó. Tai đây, LP có thể cung cấp thanh khoản cho pool và nhận được phí giao dịch được hoàn thành trong pool. Bất cứ khi nào thanh khoản được gửi vào một pool, các LP token sẽ được tự động gửi đến ví của LP. Những LP token này đại diện cho sự đóng góp của một nhà cung cấp thanh khoản nhất định cho một pool.
Mô hình hoạt động của LP và pool thanh khoản trong Uniswap
Để lấy lại thanh khoản công với phần thưởng từ phí giao dịch của người dùng, LP cần burn đi số LP token mà họ đang nắm giữ.
Các phiên bản Uniswap trước đây được thiết kế để cung cấp tính thanh khoản trên toàn bộ các mức giá. Điều này cho phép thanh khoản được tổng hợp một cách hiệu quả nhưng phần lớn tài sản được nắm giữ trong một pool không bao giờ được sử dụng.
Sau khi xem xét điều này, đội ngũ phát triển dự án quyết định cho phép các LP tập trung thanh khoản của họ vào các phạm vi giá nhất định. Uniswap gọi tính thanh khoản tập trung vào một phạm vi hữu hạn là một vị thế. Một vị thế chỉ cần duy trì đủ dự trữ để hỗ trợ giao dịch trong phạm vi của nó và do đó có thể hoạt động giống như một pool thanh khoản với dự trữ lớn hơn trong phạm vi đó.
Mô hình CLMM của Uniswap V3 so với V2
Các LP có thể tự do tạo nhiều vị thế mà họ thấy phù hợp với các khoảng giá khác nhau. Hơn nữa, đây là một cơ chế để cho phép thị trường quyết định nơi thanh khoản nên được phân bổ. LP có thể giảm chi phí vốn của họ bằng cách tập trung thanh khoản của họ vào một biên độ hẹp xung quanh mức giá hiện tại.
Tất cả các pool trong Uniswap v3 có thể đóng vai trò như một oracle, cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu thanh khoản và lịch sử giá. Khả năng này mở ra một loạt các trường hợp sử dụng trên chuỗi.
Việc lưu trữ lịch sử giá và thanh khoản trực tiếp trong hợp đồng làm giảm đáng kể khả năng xảy ra lỗi logic trên một phần của hợp đồng và giảm chi phí tích hợp bằng cách loại bỏ nhu cầu lưu trữ các giá trị lịch sử.
UniswapX là giải pháp DEX Aggregator mới của Uniswap cho phép người dùng lựa chọn tỷ giá tối ưu cho giao dịch của mình, thông qua việc tích hợp nhiều nguồn thanh khoản khác nhau. UniswapX giới thiệu một đơn vị thứ ba có tên gọi là "Filler" - đây là những người sẽ sử dụng thanh khoản on-chain để hỗ trợ thực hiện các giao dịch swap token. Những điểm nổi bật UniswapX như sau:
Người dùng có thể ký cấp phép (sign) các lệnh off-chain và các lệnh này sẽ được đưa lên on-chain. Nếu Filler quyết định thực hiện giao dịch, họ sẽ là những người chi trả phí gas.
UniswapX bảo vệ người dùng khỏi hoạt động MEV, từ đó cải thiện giá giao dịch mà không bị bòn rút bởi các hình thức tấn công như sandwich.
Người dùng sẽ được hoàn lại phí khi giao dịch thất bại.
UniswapX sẽ hỗ trợ người dùng swap token cross-chain trong tương lai.
UniswapX
Đây là tính năng người dùng có thể swap 2 token với mức giá tốt nhất và họ sẽ phải trả phí giao dịch 0.3% cho Uniswap. Hiện tại, Uniswap đang hỗ trợ người dùng swap token trên 8 blockchain khác nhau bao gồm: Ethereum, BNB Chain, Arbitrum, Optimism, Polygon, Base, Avalanche và Celo.
Giao diện tính năng Swap trên Uniswap
Ngoài ra, người dùng có thể mua coin/token thông qua Moonpay - cơ sở hạ tầng chuyển đổi tiền pháp định sang crypto toàn cầu được tích hợp trên Uniswap.
Mua crypto bằng MoonPay trên Uniswap
Flash Swap là tính năng tương tự như Flash Loan trên Aave. Flash Swap trên Uniswap cho phép người dùng rút tài sản trong pool thanh khoản của bất kỳ ERC20 token nào trên Uniswap và thực hiện tùy ý mà không mất phí trả trước. Tuy nhiên, cuối mỗi giao dịch người dùng phải đáp ứng 2 điều kiện sau:
Thanh toán số ERC-20 token đã rút bằng token tương ứng trong pool.
Trả lại số ERC-20 token đã rút cùng với một khoản phí nhỏ.
Các giao dịch swap cực kỳ hữu ích vì chúng loại bỏ các yêu cầu về vốn trả trước và các ràng buộc về thứ tự hoạt động không cần thiết đối với các giao dịch nhiều bước liên quan đến Uniswap. Ví dụ về trường hợp sử dụng Flash Swap như sau:
Trên KyberSwap 1 WETH = 1450 DAI còn trên Uniswap 1 WETH =1400 DAI. Người dùng thực hiện lệnh Flash Swap để rút 1 WETH ở Uniswap sau đó chuyển sang KyberSwap bán và hoàn trả lại Uniswap với khoản lợi nhuận 50 DAI.
Range Orders là tính năng cho phép người dùng đặt lệnh mua/ bán trong một khoản giá được xác định cụ thể trước đó. Khi giá spot của tài sản đó khớp với khoảng giá xác định trước thì giao thức sẽ tự động thực hiện lệnh mua/bán đó.
Không giống như một số thị trường nơi các lệnh giới hạn có thể phải trả phí, Range Orders tạo ra phí trong khi lệnh được thực hiện. Điều này là do Range Orders về mặt kỹ thuật là một hình thức cung cấp thanh khoản hơn là một giao dịch swap thông thường.
Đây là tính năng người dùng có thể theo dõi các top những đồng coin/token theo nhiều chỉ số khác nhau như tỷ lệ tăng/giảm, TVL và khối lượng giao dịch theo các khung thời gian 1H, 1D, 1W, 1M và 1Y. Người dùng có thể theo dõi top các coin/token trên nhiều blockchain được Uniswap hỗ trợ.
Giao diện tính năng Token trên Uniswap
Đây là NFT Aggregator Marketplace của Unisawp nơi người dùng có thể giao dịch NFT được niêm yết trên các sàn giao dịch khác như OpenSea, Looksrare, X2Y2,… Người dùng tham gia giao dịch NFT trên Uniswap có thể tiết kiệm 15% phí gas so với các NFT Marketplace khác.
Giao diện tính năng NFTs trên Uniswap
Đây là nơi mà những LP sẽ cung cấp thanh khoản vào pool để nhận về phí giao dịch từ nền tảng. Có tới 3 mức phí giao dịch cho LP lựa chọn để cung cấp thanh khoản, bao gồm: 0,05%, 0,3% và 1%. Các mức phí này sẽ phù hợp với nhiều trường hợp cung cấp thanh khoản nhau như:
0.05%: Mức phí áp dụng cho các cặp những cặp giao dịch cần sự ổn định như stablecoin vì mức phí cao sẽ ảnh hưởng đến giá của các cặp này.
0.3%:Mức phí áp dụng cho các Pool thông thường như ETH/DAI, ETH/WBTC,...
1%: Mức phí áp dụng các các cặp giao dịch hiếm có nguồn cung ít mà nhu cầu giao dịch cao.
Giao diện tính năng Pools trên Uniswap
Ngoài ra, Uniswap đã bắt đầu thu từ 10% - 25% phí giao dịch của LP. Điều này có nghĩa LP sẽ không được hưởng 100% phí như trước.
Tỷ lệ phân bổ token UNI
Lịch phân bổ token UNI
UNI là token quản trị của Uniswap được sử dụng việc quyết định đến những thay đổi của nền tảng. Ngoài ra, Uniswap đã không còn sử dụng UNI để làm incentives cho hoạt động liquidity mining và nguồn cung UNI còn lại bị khóa trong Treasury của nền tảng. Tuy nhiên, lượng UNI đó có thể được phát hành thông qua một cuộc bỏ phiếu quản trị trong tương lai và cộng đồng có thể quyết định phải làm gì với số tiền này.
UNI là token với tiêu chuẩn ERC-20, BEP-20 nên nhà đầu tư có thể lưu trữ trên các loại ví như Metamask, Trust Wallet, Coin98 Wallet,… Để thuận tiện cho việc giao dịch, nhà đầu tư cũng có thể lưu trữ UNI trên ví của các sàn giao dịch niêm yết token này.
Erin Koen - đại diện Uniswap Foundation đã chia sẻ về việc Uniswap V4 có thể được triển khai ngay trong năm 2023 nếu bản nâng cấp Cancun của Ethereum thành công. Erin Koen còn cho biết những kiểm định kỹ thuật cuối cùng đang được thực nhưng Uniswap V4 sẽ không thể ra mắt nếu Cancun chưa chính thức đi vào hoạt động.
Uniswap Foundation là đội ngũ xây dựng và phát triển Uniswap với những thành viên nổi bật sau:
Hayden Adams: Ông là Founder và CEO của Uniswap Foundation.
Mary-Catherine Lader:Bà hiện là COO của Uniswap Foundation.
Marvin Ammori:Ông hiện là CLO (Chief Legal Officer) của Uniswap Foundation.
Uniswap đã huy động thành công 177.8 triệu USD từ 3 vòng gọi vốn lần lượt là Seed round (1.8 triệu USD), Series A (11 triệu USD) và Series B (165 triệu USD). Những quỹ đầu tư tham gia vào các vòng gọi vốn bao gồm: a16z, Paradigm, Polychain Capital,...
Những nhà đầu tư của Uniswap. Nguồn: crypto-fundraising.info
Hiện tại, Uniswap hiện đang hợp tác với các nền tảng DeFi, ví như: Aave, 1inch, MetaMask, Coin98 Wallet,...
Uniswap là sàn DEX trên Ethereum cho phép người dùng giao dịch token ERC-20 mà không cần thông qua bất kỳ bên trung gian nào. Uniswap đang dần mở rộng các sản phẩm của họ để sẵn sàng cạnh tranh với các DEX Aggregator, cross-chain bridge khác bằng UniswapX và Uniswap V4.
Thông qua bài viết này chắc các bạn đã phần nào nắm được những thông tin cơ bản về dự án Uniswap để tự đưa ra quyết định đầu tư cho riêng mình.
Link nội dung: https://edutainment.edu.vn/uni-la-gi-a73445.html