Tôi đã sai lầm khi đối xử bất công với các con

Chị Hạnh Dung kính mến,

Vợ chồng tôi có hai đứa con. Con đầu là con gái, vì tôi là con trai trưởng, nên bố mẹ tôi thất vọng lắm, ông bà chỉ mong một đứa cháu trai để yên tâm có người nối dõi.

Con gái tôi ra đời không được nâng niu chiều chuộng, nhưng vợ tôi vẫn rất thương con bé. Tôi thì vì thất vọng nên hay la mắng cháu. Mãi 3 năm sau, vợ tôi lại mang thai và may mắn là đó là con trai. Nó được cả dòng họ cưng chiều hết mực. Nhưng có lẽ vì thế mà thằng bé lì, bướng và rất lười học.

Con gái tôi thì lại học giỏi và rất ngoan ngoãn. Mới 6, 7 tuổi mà nó đã biết nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và chăm em. Nhiều khi thấy thằng em bắt nạt chị, vợ tôi la nó thì cả nhà đều xúm lại bênh vực thằng bé.

Con trai càng lớn càng hư. Thằng bé không vào đại học, đi làm cũng không, suốt ngày chơi bời lêu lổng. Còn chị nó học xong là được vào công ty lớn, lương cao và phát triển sự nghiệp rất tốt.

Khi con gái tôi lấy chồng giàu và có nhà riêng, vợ chồng tôi bàn nhau sẽ cho con trai căn nhà đang ở, có mặt tiền tầng trệt cho thuê, vì nó không có công việc ổn định, phải có tiền cho thuê nhà thì nó mới sống được. Còn con gái đã có thể tự lo được rồi.

Khi vợ tôi nói cho con trai biết điều đó, nó càng ỷ lại. Hôm rồi nó cá độ chi đó, người ta đến tận nhà đòi nợ. Tôi nói không có tiền, thì nó bảo tiền cho thuê nhà phải chia cho nó, vì đằng nào nhà cũng thuộc về nó. Nó thậm chí còn xô vợ tôi té khi giành chìa khóa tủ để lấy tiền để dành của vợ chồng tôi.

Con gái nghe tôi gọi, vội xin nghỉ làm đưa mẹ đi bệnh viện. Mấy hôm nay nhìn con gái tất bật ngược xuôi, cơm nước cho tôi, rồi chăm mẹ ở bệnh viện, còn phải đưa tiền cho thằng em để nó đừng tiếp tục quậy bố mẹ, tôi thấy thật ân hận.

Từ khi còn nhỏ, con gái đã luôn lo cho bố mẹ. Căn nhà này vợ chồng tôi mua được, cũng có công sức của nó đi làm thêm góp vào. Tôi thấy thật bất công khi không cho con gái thừa kế công sức lao động của vợ chồng tôi và nó.

Vợ tôi nói nên giao nhà cho con gái, để con gái quản lý và lo cho em. Chứ giao cho con trai thì trước sau gì nó cũng phá tan nát, bán nhà rồi sẽ nghèo khổ suốt đời, lại ăn bám vào chị mà thôi.

Nhưng bây giờ thay đổi việc thừa kế, tôi chắc chắn con trai sẽ phản ứng gay gắt, và trong nhà sẽ vô cùng rối ren. Tất cả chỉ vì chúng tôi nuôi dạy con sai cách. Thật không biết nên làm thế nào cho ổn. Xin chị Hạnh Dung cho tôi lời khuyên.

Hùng

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh Hùng thân mến,

Thật đáng tiếc là anh chị đã sai lầm trong suy nghĩ, định kiến về con trai, con gái, sai lầm trong việc dạy dỗ, giáo dục con. Nhưng cũng thật may mắn là giờ đây anh chị cũng đã nhận ra được sai lầm của mình.

Muộn còn hơn không, nếu cương quyết, sáng suốt và mạnh mẽ, có thể anh chị vẫn còn cứu vãn được điều gì đó. Quan trọng là ý chí của anh chị sẽ giúp cho con trai thay đổi, và điều đó là tốt cho chính cậu ấy và cuộc đời cậu ấy trước tiên.

Theo cách anh kể, thì Hạnh Dung nghĩ anh chị chưa quá lớn tuổi, nên việc nhanh chóng tính chuyện thừa kế chưa phải là việc ưu tiên hàng đầu. Ưu tiên hàng đầu của anh chị bây giờ là để lại tài sản tinh thần tốt nhất cho con: giúp con hiểu đúng sai, định hướng cuộc sống cho con, và giúp con biết cách tự lập, và trách nhiệm với bản thân mình.

Thay đổi một đứa con đã ở vào tuổi trưởng thành, khi tính cách, thói quen, nếp sống... đã định hình, là một việc vô cùng khó khăn. Hạnh Dung không thể chỉ dẫn cụ thể anh chị cần làm những gì, chỉ có thể nói rằng anh chị nên xác định rõ cho con trai biết rằng cậu ấy đã đến tuổi tự có trách nhiệm với cuộc đời mình.

Hãy thể hiện tình yêu thương, nhưng đầy sự cương quyết, yêu cầu cậu ấy phải biết suy nghĩ, xây dựng kế hoạch để có thể tự lập, làm chủ cuộc sống của mình. Đi học, đi làm, phát triển bản thân... Bất cứ điều gì cậu ấy nghĩ tới một cách nghiêm túc, thì hãy ủng hộ cậu ấy.

Không thể để cậu ấy chết đói, nhưng cũng đừng cho tiền. Hãy cất giấu tiền của hai người xa khỏi tầm mắt, tầm tay của cậu ấy. Hãy cho cậu ấy hiểu rằng anh chị không thể nuôi cậu ấy mãi được, hiểu được là căn nhà cũng không phải chỉ của riêng cậu ấy. Mà ngay cả khi nó có là của riêng cậu ấy, thì nó cũng không thể nuôi cậu ấy ăn không ngồi rồi suốt đời.

Hãy cố gắng gieo vào lòng cậu ấy những viễn cảnh về một cuộc sống già cỗi, cô độc và nghèo túng nếu cậu ây không cần thiết cho ai và chẳng được ai cần thiết. Hãy yêu cầu cậu ấy quan tâm đến chính anh chị, chị gái của mình và nghĩ về một gia đình nhỏ của một người đàn ông trưởng thành, trong vai trò con trưởng của một dòng họ...

Không thể ngày một ngày hai, nhưng anh chị hãy cứ kiên nhẫn và ôn tồn, cứng rắn và mềm dẻo... Hy vọng rằng mưa dầm thấm lâu, qua cái tuổi bồng bột và được chỉ bảo, con trai anh chị sẽ trưởng thành, để có thể hiểu rằng, kể cả có được ưu tiên tình thương hay căn nhà, thì cậu ấy cũng phải có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ và phát triển nó...

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Link nội dung: https://edutainment.edu.vn/duoc-anh-trai-cung-chieu-qua-toi-tao-phan-roi-a74334.html