Bởi lẽ, ở đây không chỉ là có thắng cảnh đẹp, một dải cát trắng lượn sóng dọc theo bờ biển dài hơn 5km với hàng trăm nghìn cây dương cổ thụ xanh thẳm, mà phần lớn cây dương được trồng từ thời Pháp thuộc cách đây hơn 80 năm để chống cát biển xâm thực. Bãi biển đẹp bởi sắc màu xanh đậm, nhạt của rừng dương, của nước biển trên nền cát trắng tinh, sóng vỗ rì rào và in đậm nhiếu dấu ấn lịch sử cách mạng. Tình cờ chúng tôi gặp ông Nguyễn Bốn, một cán bộ cách mạng lão thành ở thị xã La Gi tại khu du lịch Đồi Dương. Trong Villa sang trọng quanh ông là 12 học sinh quàng khăn đỏ, giọng ông sang sảng kể: “Hôm ấy là ngày 28/8/1945, mặt trời chưa xuống núi, trên bầu trời trong xanh xuất hiện chiếc máy bay nghiêng mình rồi thả 13 chiếc dù dọc bờ biển Đồi Dương. Thấy chuyện khác thường, hàng trăm người dân từ các làng Phước Lộc, Tân Lý, Tân Long, Tam Tân…ào ạt cầm dao, rựa, cuốc xẻng, tay chèo đổ xô đến Đồi Dương vây bắt Tây nhảy dù. Sự kiện của một thời hào hùng đó đã làm cho địa danh Đồi Dương - Bình Tân được ghi vào những trang sử cách mạng. Và 30 năm sau một sự trùng hợp lạ kỳ là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước sắp kết thúc thì Đồi Dương lại trở thành cửa ngõ cuối cùng của hàng ngàn ngụy quân, ngụy quyền tháo chạy bằng đường biển bị quân và dân La Gi cùng bộ đội chủ lực chặn đánh tan tác vào đêm 22/4/1975…”. Những ngày tháng tư lịch sử thoạt nghe ông Bốn kể lại, lớp trẻ chúng tôi phấn chấn trong lòng và tự hào với mảnh đất Đồi Dương Bình Tân.
Một ngày tháng tư, sáng sớm, mặt trời đỏ ửng như đang chầm chậm lăn tròn trên mặt biển yên tĩnh, làm cho sắc màu trên bãi biển Đồi Dương khác hẳn với thường ngày. Từ bãi tắm Đồi Dương phóng tầm mắt ra xa là Hòn Bà như một dấu chấm trên mặt biển gợn sóng lung linh. Quang cảnh bình minh ở biển Đồi Dương Bình Tân thật nên thơ, hấp dẫn, thu hút bao lữ khách phương xa. Phía sau bãi cát trắng là rừng dương bạt ngàn với hàng trăm nghìn cây phi lao cổ thụ cao vút che gió, chắn cát bay để những người dân làng chài ven biển Bình Tân có cuộc sống thanh bình. Xen lẫn trong rừng dương, bãi cát hoang sơ là những mái nhà sang trọng của các resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp, mỗi năm đón hàng chục ngàn lữ khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu thắng cảnh, văn hóa, lịch sử cách mạng Đồi Dương.
Anh Phan Văn Hoàng, du khách từ Đà Lạt đến Khu du lịch Đồi Dương nghỉ dưỡng cuối tuần chia sẻ: “Biển Đồi Dương quá đẹp, nhất là lúc bình minh hay hoàng hôn buông xuống từ đồi cát trắng nhìn ra Hòn Bà với những câu chuyện tình huyền thoại đầy trắc ẩn hay nghe người dân làng chài kể chuyện về giếng nước nhỉ độc nhất ở đầu rừng Dương, nước ngọt trong vắt từ động cát trắng chảy ra không ngừng; rồi những chú còng gió chạy nhanh như bay trốn đàn chim sà cánh săn mồi trên bãi biển…”.
Đến Đồi Dương tháng tư nghe tiếng sóng rì rào của biển, tiếng vi vu của gió thổi qua ngọn dương…bao câu chuyện lịch sử về một Đồi Dương mang dấu ấn hào hùng cứ hiện về trong tôi… Vẫn chưa hết đâu, khi du khách ngồi thuyền ra Hòn Bà, hoặc ngồi trên gành đá chân đảo nhìn qua làn nước biếc xanh như ngọc, thấy những chòm san hô trắng lấp lánh và từng đàn cá nhỏ hồn nhiên tung tăng bơi lội. Khung cảnh thiên nhiên “Hòn Bà như động tiên sa” thật diệu kỳ.
Link nội dung: https://edutainment.edu.vn/bai-tam-doi-duong-lagi-a74897.html