Phía sau màn bạc, thực sự là một chiến trường

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Diễn viên dính "củ hành"

Không ưa nhau, đố kỵ nhau từ lâu hoặc mới toanh, đây là dịp họ trả đũa, hành nhau khi có dịp diễn chung trong một cảnh quay. Trả thù bằng cách cố tình dìm hàng nhau, cố tình diễn hỏng trong một cảnh quay, khiến cho bạn diễn khốn khổ. Khi nào thấy đủ mới buông tha nhau. Giống như hiện tượng hát song ca ấy! Không cẩn thận sẽ hát chênh nhau, lạc tone nhau là coi như hỏng.

Thông thường, diễn cùng nhau, bạn diễn phải hiểu ý nhau phải tung hứng, nếu không sẽ lạc nhau, sẽ độc thoại ngay lập tức. Với chiêu trò này, các diễn viên tha hồ quần nhau tơi tả, cho đến khi, đạo diễn phải can thiệp một cách gần như thô bạo mới chấm dứt. Hậu quả là cả đoàn phải gánh chịu hệ lụy đó, phải lao động vất vả hơn, phải làm việc nhiều hơn, tốn kém thời gian nhau. Nếu có cảnh bạo lực thì không còn là diễn nữa mà họ thực sự bạo lưc nhau như giang hồ. Nếu là cảnh âu yếm tình cảm, thì đúng là họ làm nhục nhau trong im lặng ê chề!. Để rồi, kết thúc phim diễn viên nọ sẽ nói xấu diễn viên kia, rằng diễn dở, tệ, lần sau nhất định không chịu đóng chung với nhau nữa.

Có trường hợp, diễn viên ghét nhau ra mặt và thỏa thuận, không thèm diễn cùng với kẻ thù của mình. Lợi dụng những mâu thuẫn ngầm của Củng Lợi và Chương Tử Di, đạo diễn phim Hồi ức của geisa đã mời họ diễn chung trong phim này với những xung đột của hai geisa. Kết quả, hai ngôi sao đó đã thực sự diễn như thật. Từ nỗi niềm ở đời thực họ đã bê vào màn bạc để có hai vai diễn quá xuất thần thành công! Chuyện này mãi về sau mới được tiết lộ. Ai cũng ngầm khen ý đồ độc đáo thông minh của đạo diễn. Về sau hai diễn viên này vẫn luôn duy trì trạng thái bằng mặt nhưng không bằng lòng với nhau. Chuyện các nữ diễn viên thừa nhận tài năng và nhan sắc của nhau, hơi bị hiếm! Cả đời thường và trong nghệ thuật cũng vậy mà thôi!

Sự kiện - Phía sau màn bạc, thực sự là một chiến trường

Ảnh minh họa

Chẳng phải lúc nào đạo diễn và diễn viên cũng cơm lành canh ngọt. Có khi ghét nhau từ trước nhưng do yêu cầu của nhà sản xuất nên vẫn phải nín nhịn muối mặt mời diễn viên đó vào phim. Có khi phát sinh mâu thuẫn trong lúc quay. Và thế là diễn viên tha hồ bị đạo diễn hành, tha hồ diễn đi diễn lại môt cảnh quay, có khi rất đơn giản. Một hành động, lặp đi lặp lại trong môi trường bình thường đã mệt đã chán, huống chi dưới ánh đèn quay với áp lực của tất cả ê kíp lại càng cơ cực hơn. Thực sự diễn viên lúc ấy đã bị bấn loạn, rối trí không làm sao mà bình tĩnh được nữa. Phim mới nhất của tác giả bài này, có cảnh, một thiếu phụ bụng mang dạ chửa, sợ ma chạy trên sân nhà bị ngã giữa đêm mưa.

Thực ra đúp đầu tiên diễn viên đã hoàn thành xuất sắc, quay phim đã ghi hình ok, nhưng vì ghét thái độ sao chảnh chọe của diễn viên nên cô gái này đã được đạo diễn tặng thêm 19 đúp nữa. Khổ thân đêm ấy, cô này đã bị, đúng là hành xác dưới trời mưa lạnh cho đến tận 4h sáng. Tổng cộng cô đã phải chạy gần 10 km vòng quay sân, trong tiếng thét gào chê bai của cả đoàn vì mệt mỏi và tức giận. Cô liên tục bị chê diễn dở, chạy giả, ngã giả, chủ động thấy ma, chủ động ngã. Đêm ấy cô gái đã khóc và ngậm ngùi lên xe ra về mà không hiểu tại sao, một cảnh đơn giản như thế mà khiến mình phải khốn đốn khốn khổ. Phim đóng máy, quay phim đạo diễn cười hể hả với nhau. Thấy sao mà ác, mà hèn!

Tương tự như đạo diễn, nếu quay phim ghét diễn viên nào, cứ nhè cảnh diễn phức tạp nhất khó nhọc nhất mà trả thù với lý do máy quay trục trặc hoặc quên không bấm nút ghi với những lời sorry liên tục. Diễn viên đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Đa số quay phim đều rất nóng tính và phũ. Không nên không phải là phang ngay với vô vàn những lời tục tĩu mất dạy, vuốt mặt không kịp!

Luẩn quẩn vòng hành nhau

Đến lượt diễn viên trả đũa. Diễn viên dư sức diễn tốt nhưng vì ghét quay phim nên cố tình diễn hỏng. Quay phim là công việc nặng nhọc, tập trung cao độ, thần kinh cực kỳ căng thẳng. Và thế là tha hồ bấm máy quay đi quay lại bởi lỗi của diễn viên. Làm gì được nhau, chửi cứ chửi, diễn hỏng cứ diễn hỏng. Diễn viên, hình như đã quá chai sạn trơ lỳ với chuyện này.

Rất hiếm nhà sản xuất, người tổ chức sản xuất hòa hợp với đạo diễn vì chuyện tiền nong, tiến độ sản xuất. Nhà sản xuất ra sức đốc thúc tiến độ, mà tiến độ chủ yếu phụ thuộc vào đạo diễn do đạo diễn chỉ huy cả một ê kíp. Nhà sản xuất lại không thể nào can thiệp sâu vào công việc của đạo diễn được bởi không có chuyên môn và không có quyền theo thỏa thuận ban đầu. Mỗi ngày sản xuất phim ở hậu trường, chi phí bèo bọt nhất cũng ngót nghét 20 triệu đồng (phim truyền hình) với các chi phí chi trả cho tiền thuê máy móc lương lậu. Chậm ngày nào, giờ nào, nhà sản xuất tái mặt ngày ấy giờ ấy. Nếu muốn, đạo diễn tha hồ cho trôi lịch, chậm tiến độ. Nhà sản xuất đành phải ngậm ngùi chịu lỗ vì không thể thay thế đạo diễn ngay tức khắc được vì sợ vỡ phim. Thông thường, một ê kíp bao gồm quay phim đạo cụ, ánh sáng, diễn viên đều do đạo diễn lựa chọn, tức là người của đạo diễn. Đạo diễn bỏ đi, như rắn mất đầu, ê kíp tan ngay tức thì. Với lại, một bộ phim, rất hiếm khi hai đạo diễn làm bởi cách làm của họ, không bao giờ giống nhau.

Sợ trôi lịch, chậm tiến độ ảnh hưởng tới kinh phí, lo lỗ vốn, nhà sản xuất dùng mọi thủ đoạn chiêu thức, từ ngọt ngào tới thô bạo để hành, để ép ê kíp làm việc như điên, gần như quên ăn quên ngủ, y như bộ đội hành quân tốc hành thời trận mạc. Lịch quay một ngày từ 7h sáng hôm nay tới 2h sáng hôm sau. Ê kíp hầu như không được nghỉ, trừ lúc ăn trưa. Khẩu phần ăn đa số là cơm hộp bình dân. Nếu ê kíp tỏ ra biết điều với nhà sản xuất còn có cơ may lĩnh lương kha khá và nhất là, nhanh lấy tiền. Còn không thì ngược lại, hãy đợi đấy nhé!

Quần chúng nhân dân đa số là người tốt hiền lành tử tế nhưng không phải ai cũng như ai. Có khi cảnh quay đang tiến triển rất tốt, bỗng như từ trên trời rơi xuống, mấy thanh niên làng, không biết tỉnh hay say, xông vào trước máy quay trêu chọc diễn viên, không tài nào thuyết phục được họ, anh em đành ngậm ngùi đóng máy. Mất oan một cảnh quay tốn kém. Không nhường nhịn họ, chỉ một hòn gạch bay vào máy quay vào đèn, có mà bán nhà trả nợ. Chuyện các diễn viên nữ bị trai làng sàm sỡ trêu chọc là chuyện thường ngày của huyện. Hầu như cô nào đi đóng phim ở xa cũng phải có vệ sỹ là bạn trai đi kèm bảo vệ.

Chuyện hành nhau trên phim trường còn xảy ra giữa đạo cụ với diễn viên, ánh sáng với quay phim, thư ký trường quay với dựng phim... Hệ quả của những mâu thuẫn cá nhân ấy là cả đoàn phải gánh chịu, tổn thất thuộc về nhà sản xuất. Để rồi sau mỗi bộ phim, rất nhiều người đã thề không thèm nhìn mặt nhau nữa.

Chính những sự hành nhau ấy là nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất để cho câu chuyện phim ảnh của nước nhà ngày càng thê thảm và bế tắc. Và điều đau đớn nhất là chính khán giả gánh chịu những hệ lụy khôn lường ấy. Họ phải xem những bộ phim vừa dài vừa dở của phim ảnh mang nhãn hiệu Việt Nam. Họ chính là nạn nhân vừa vô tội vừa tội nghiệp của mặt trận chiến trường trên phim trường ấy.

Phim trường không nhẹ nhàng đơn giản chút nào, nó thực sự là cuộc chiến khốc liệt, đẫm mồ hôi nước mắt và những đớn đau ê chề! Tấn trò đời đầy bi hài kịch mà ít người biết đến!!

Kao Nguyên

Link nội dung: https://edutainment.edu.vn/phia-sau-man-bac-a75091.html