Tại sao chó bị ho khạc? Hiểu để có phương án xử lý kịp thời
Hiện tượng chó bị ho khạc là một vấn đề sức khỏe phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Dù có thể chỉ là vấn đề nhẹ nhưng đôi khi triệu chứng này là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời. Cùng Tropicpet tìm hiểu rõ nguyên nhân và các dấu hiệu để có những phương án xử lý kịp thời giúp chó của bạn phục hồi nhanh chóng và tránh được các biến chứng nguy hiểm về sau.
Dấu hiệu nhận biết chó bị ho khạc
Chó bị ho khạc có thể biểu hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:
Âm thanh ho khô, giống như bị nghẹn hoặc mắc kẹt vật gì trong họng khiến chó cố khạc ra ngoài.
Ho liên tục, đặc biệt là vào ban đêm hoặc sau khi vận động.
Thở khò khè, khó thở hoặc thở gấp.
Nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường, dấu hiệu của viêm nhiễm.
Chảy nước mũi, mắt hoặc hắt hơi liên tục.
Mệt mỏi, chán ăn hoặc giảm cân.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, chó có thể nôn ra dịch nhầy hoặc máu.
Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trên kéo dài, bạn nên đưa chó đến gặp bác sĩ thú y để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
☞ Xem thêm: Chó nôn ra máu và những bệnh lý liên quan bạn cần biết
Nguyên nhân khiến chó bị ho khạc
Ho khạc ở chó có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Viêm đường hô hấp: Viêm khí quản, viêm họng hoặc viêm phổi thường xảy ra khi chó tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, không khí lạnh hoặc bị nhiễm khuẩn. Viêm họng khiến chó cảm thấy ngứa, đau và khiến chó bị ho khạc liên tục.
Bệnh ho cũi chó (Canine Kennel Cough): Ho cũi chó là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Bordetella bronchiseptica và virus gây ra. Bệnh này dễ lây lan trong các môi trường đông đúc như trại nuôi, nơi chăm sóc hoặc công viên chó. Chó mắc bệnh thường có triệu chứng ho khan, âm thanh giống như bị nghẹn.
Nhiễm trùng hoặc ký sinh trùng đường hô hấp: Ký sinh trùng như giun phổi hoặc nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn, virus cũng là nguyên nhân khiến chó bị ho khạc.
Dị vật trong họng: Dị vật như xương, mảnh nhựa, cỏ hoặc vật nhỏ mắc kẹt trong cổ họng khiến chó cảm thấy khó chịu và cố gắng ho khạc ra để loại bỏ. Nếu không được xử lý kịp thời, dị vật có thể gây nguy hiểm.
Bệnh tim mạch: Một số bệnh lý tim mạch ở chó, chẳng hạn như suy tim, cũng có thể gây ho khạc. Khi tim không hoạt động hiệu quả, chất lỏng có thể tích tụ trong phổi, gây ho.
Dị ứng hoặc kích ứng từ môi trường: Các yếu tố như phấn hoa, khói thuốc lá, hóa chất hoặc mùi hương mạnh có thể kích thích hệ hô hấp của chó, dẫn đến ho khạc.
☞ Xem thêm: Bệnh tim ở chó mèo thường gặp và những vấn đề chủ nuôi cần biết
Cách điều trị khi chó bị ho khạc
Việc điều trị chó bị ho khạc phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến bạn có thể tham khảo:
Điều trị tại nhà
Nếu tình trạng ho của chó nhẹ và không đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà:
Tạo môi trường thoải mái: Giữ chó ở nơi ấm áp, thoáng khí, tránh gió lùa hoặc nhiệt độ quá lạnh. Tránh để chó hoạt động quá nhiều hoặc căng thẳng, vì điều này có thể làm tình trạng ho trở nên tồi tệ hơn.
Sử dụng mật ong: Mật ong có đặc tính kháng khuẩn và làm dịu cổ họng, rất hiệu quả cho chó bị ho khạc. Hãy cho chó uống 1 thìa mật ong pha với nước ấm, 2 - 3 lần/ngày.
Chế độ dinh dưỡng: Cung cấp thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, như cháo hoặc thức ăn ướt, để giảm kích ứng đường hô hấp và đảm bảo chó được uống đủ nước.
Sử dụng máy tạo độ ẩm: Nếu không khí trong nhà khô, bạn hãy sử dụng máy tạo độ ẩm có thể giúp đường hô hấp của chó bớt khô rát, cải thiện tình trạng ho.
Theo dõi sát sao các dấu hiệu: Quan sát chó để phát hiện sớm các triệu chứng bất thường như nôn, khó thở, bỏ ăn hoặc khạc kéo dài. Nếu tình trạng không cải thiện trong 12 - 24 giờ, hãy đưa chó đến bác sĩ thú y để được thăm khám và điều trị chuyên sâu.
Điều trị theo hướng dẫn bác sĩ
Tại bệnh viện thú y các bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân qua lâm sàng, nghe tim phổi, siêu âm, xét nghiệm hoặc chụp X-Quang và đưa ra phương án điều trị phù hợp, một số phương điều trị có thể kể đến như:
Thuốc kháng sinh: Được kê khi ho khạc do vi khuẩn hoặc bệnh ho cũi chó. Amoxicillin hoặc doxycycline là các loại kháng sinh phổ biến.
Thuốc kháng viêm: Được kê để làm giảm viêm và sưng tấy trong trường hợp viêm họng hoặc viêm khí quản.
Thuốc long đờm: Giúp làm loãng và đẩy đờm ra ngoài dễ dàng hơn, đặc biệt trong trường hợp viêm đường hô hấp.
Thuốc giảm ho: Một số loại thuốc giảm ho chuyên dụng cho chó được sử dụng khi cơn ho kéo dài gây kiệt sức, tuy nhiên cần dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị ký sinh trùng: Nếu nguyên nhân ho do giun phổi, bác sĩ sẽ kê thuốc tẩy ký sinh trùng phù hợp.
Loại bỏ dị vật: Trong trường hợp có vật lạ mắc kẹt trong cổ họng, bác sĩ thú y sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ, nếu mắc quá sâu thì cần đến phẫu thuật hoặc nội soi để gắp ra.
Thuốc tim mạch: Nếu chó bị ho khạc do bệnh tim thì bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp có sử dụng thuốc tim mạch.
Phòng ngừa tình trạng chó bị ho khạc
Phòng ngừa luôn là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho chó khỏi tình trạng ho khạc. Dưới đây là một số cách để giúp phòng ngừa hiệu quả:
Tiêm phòng đầy đủ: Đảm bảo chó được tiêm phòng đầy đủ các bệnh như ho cũi chó, cảm cúm hoặc giun tim. Lên lịch tiêm nhắc lại hàng năm để bảo vệ sức khỏe cho cho chó.
Vệ sinh môi trường sống: Thường xuyên dọn dẹp không gian sống, giữ sạch sẽ và khô ráo. Tránh để chó tiếp xúc với khói bụi, hóa chất hoặc các yếu tố gây kích thích đường hô hấp.
Tăng cường hệ miễn dịch: Cung cấp cho chó chế độ dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng.Hãy cho chó tập luyện vừa phải và duy trì cân nặng hợp lý.
Hạn chế tiếp xúc chó bị bệnh: Tránh cho chó tiếp xúc với chó có biểu hiện ho khạc hoặc biểu hiện của bệnh truyền nhiễm.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Định kỳ đưa chó đến bệnh viện thú y để kiểm tra sức khỏe nhằm sớm phát hiện ra các mầm bệnh ẩn bên trong cơ thể chó.
☞ Xem thêm: Tiêm phòng cho chó, hướng dẫn đầy đủ để bảo vệ thú cưng của bạn
Chó bị ho khạc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Việc hiểu rõ nguyên nhân, áp dụng các biện pháp điều trị đúng cách và thực hiện phòng ngừa hiệu quả sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho chó của bạn. Nếu tình trạng không cải thiện khi áp dụng các biện pháp tại nhà hoặc có dấu hiệu nặng hơn, hãy đưa chó đến Tropicpet chi nhánh gần nhất để được các bác sĩ có chuyên môn cao thăm khám và điều trị kịp thời.