Trung Quốc: Đẩy mạnh dạy AI cho học sinh

AI ngày càng phổ biến ở các trường tiểu học và trung học trên khắp Trung Quốc, mang đến phương pháp tiếp cận hiện đại đối với giáo dục, đồng thời thúc đẩy tư duy khoa học và kỹ năng sáng tạo ở học sinh.

Bộ Giáo dục Trung Quốc đặt mục tiêu nâng cao kỹ năng số và khả năng giải quyết vấn đề của học sinh, giải quyết nhu cầu về nhân tài sáng tạo trong tương lai của đất nước.

Trung Quốc: Đẩy mạnh dạy AI cho học sinh - 1
Học sinh tham gia câu lạc bộ khoa học và đổi mới tại trường tiểu học ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Global Times.

Sáng kiến này diễn ra sau khi hơn 500 trường đại học và cao đẳng đưa chuyên ngành trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy từ năm 2018, theo báo South China Morning Post. Thông tư của Bộ Giáo dục Trung Quốc đề xuất triển khai các khóa học AI một cách có hệ thống và đưa vào chương trình học của trường.

Học sinh ở các cấp thấp hơn nên có kiến thức cơ bản về AI, trong khi học sinh ở các cấp cao hơn nên học cách áp dụng công nghệ này. Học sinh trung học phổ thông được khuyến khích tham gia vào các dự án AI sáng tạo. Các trường được khuyến cáo áp dụng phương pháp giảng dạy theo dự án và tích hợp AI vào các khóa học khoa học máy tính.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đặt mục tiêu cho giáo dục AI ở các trường tiểu học và trung học. Vào tháng 2/2024, khoảng 184 trường đã được chọn để tham gia chương trình thí điểm nhằm khám phá giáo dục AI.

Thành quả ban đầu

Trường trung học cơ sở Huiwen ở Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc là một trong những trường tiên phong đưa AI vào giáo dục. Trường được Bộ Giáo dục Trung Quốc công nhận là một trong 184 cơ sở giáo dục AI.

Dự án đưa AI vào trường Huiwen bắt đầu cách đây 7 năm. Năm 2017, trường đã thành lập Câu lạc bộ Huimin Singularity để nâng cao trải nghiệm ngoại khóa của học sinh và tạo cơ hội cho những người quan tâm đến AI.

"Chúng tôi đều là người mới trong lĩnh vực chế tạo, vận hành và lập trình robot nên chủ yếu dựa vào việc tự học và nghiên cứu. Ban đầu, hầu hết thành viên câu lạc bộ đều tham gia các cuộc thi robot", ông Ning Zhaohong, cố vấn dự án công nghệ và là người đứng đầu trung tâm đổi mới của trường cho biết.

Trong thời gian rảnh rỗi, học sinh và giáo viên đưa robot tham gia các cuộc thi. Mặc dù ban đầu gặp phải nhiều thách thức nhưng họ đã sớm giành được các chức vô địch. Sau nhiều năm nỗ lực tận tụy, câu lạc bộ đã trở nên nổi tiếng nhờ các buổi trình diễn robot và thiết bị không người lái thường xuyên, thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia.

Năm 2022, trường chính thức đưa "Huiwen Singularity" vào chương trình sau giờ học, tạo cơ hội cho mọi học sinh tham gia. Trường cũng đã triển khai các khóa học đổi mới công nghệ cho học sinh.

Ông Ning đã chứng kiến hành trình của câu lạc bộ từ một nhóm sở thích nhỏ đến sự tham gia rộng rãi của học sinh, từ lúc chỉ có một giáo viên tham gia cho đến khi trở thành một nhóm gắn kết và từ các bài tập công nghệ cơ bản đến giáo dục AI toàn diện.

"Các khóa học AI nên là yếu tố thiết yếu của giáo dục ở các trường tiểu học và trung học", ông Qu Wei, hiệu trưởng nhà trường cho biết; đồng thời nói thêm rằng việc học về robot của học sinh không nên chỉ giới hạn ở hiểu khả năng của chúng trong cờ vua hoặc làm việc trên dây chuyền lắp ráp mà còn phải tham gia vào các khóa lập trình cơ bản để phát triển tư duy khoa học.

Khi cơ sở vật chất được cải thiện và giáo viên cùng học sinh hiểu sâu hơn về AI, công nghệ này đã trở thành công cụ phổ biến và hiệu quả trong nhiều môn học. Trước mỗi lớp học, "Trợ lý AI" trong lớp có thể rà soát lại các nội dung chính từ hôm trước và đánh giá khả năng đọc tiếng Anh của học sinh. Giáo viên thể dục sử dụng robot để đưa ra phản hồi kịp thời và hỗ trợ học sinh.

"AI đã tạo ra những bước chuyển đổi cho cả học sinh và giáo viên. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện trình độ sử dụng AI của giáo viên để làm phong phú và hoàn thiện các khóa học liên quan", ông Qu cho biết thêm.

Lo ngại của phụ huynh

Bất chấp nỗ lực của các cơ sở giáo dục, một số phụ huynh vẫn tỏ ra hoài nghi về chất lượng giáo dục AI.

Dong Chen (ở Thượng Hải) lưu ý, mặc dù trường của con gái ông sử dụng phần mềm hỗ trợ AI để tóm tắt bài học nhưng lại không cung cấp các lớp học AI chuyên biệt. Ông bày tỏ lo ngại, các trường không có động lực để giảng dạy AI vì AI không phải là một phần của kỳ thi tuyển sinh.

"Nếu bạn thực sự muốn học gì đó, bạn không thể trông cậy vào các trường. Suy cho cùng, AI không phải là môn học trong kỳ thi tuyển sinh trung học cơ sở hoặc đại học, vì vậy các trường không có động lực để giảng dạy", ông Dong cho biết.

Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 nhấn mạnh đến nhu cầu cải cách hệ thống đánh giá giáo dục của Trung Quốc và ủng hộ chuyển trọng tâm từ các môn thi sang trải nghiệm học tập của học sinh để nâng cao giáo dục AI.

"Chúng ta chỉ có thể nâng cao giáo dục AI bằng cách cải cách hệ thống đánh giá giáo dục và tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm học tập của học sinh", ông Xiong tuyên bố.

Thành Đạt (theo SCMP)

Báo Lao động và Xã hội số 3

Link nội dung: https://edutainment.edu.vn/hoc-sinh-china-a75685.html