Đối với mình, cho đến thời điểm hiện tại, trong dòng sách trinh thám Trung Quốc, các truyện của tác giả Lôi Mễ là có sức hút nhất. Sức hút đây xét ở khía cạnh tổng thể. Gồm chất hình sự chuyên nghiệp sát thực tế, logic chặt chẽ, xây dựng hình tượng nhân vật và bút pháp mạnh mẽ. Có thể làm chút so sánh với tác giả Chu Hạo Huy nổi tiếng với series Bản thông báo tử vong. Chu Hạo Huy tuy nổi bật bởi cách hành văn cuốn hút, xây dựng được một số nhân vật sắc nét, nhưng thiếu tính logic, tuy chất hành động trong truyện tốt nhưng lại bị thổi phồng quá mức dẫn đến thiếu chuyên nghiệp và thực tế. Hay một tác giả nổi tiếng khác là Tần Minh với series Pháp y Tần Minh. Cũng là người trong ngành nên tính thực tế của Tần Minh không còn gì phải bàn, nhưng Tần Minh yếu ở bút lực và xây dựng hình tượng nhân vật.
Điểm mình đánh giá cao nhất trong truyện trinh thám của Lôi Mễ chính là tính thực tế. Đó không chỉ là về chuyên môn, mà cách viết không bị phóng đại quá đà.
Mình không thích mấy bộ truyện của tác giả Trung Quốc cứ phải tâng bốc các nhân vật chính lên tận mây xanh, cái nào cũng đỉnh nhất trái đất, rồi kiểu kiểu như là một anh đặc nhiệm Trung Quốc có thể một mình hạ năm mươi người trong một cái chớp mắt hay gì gì đó. Đọc kiểu truyện như vậy mình chỉ muốn dừng luôn.
Thông tin tác giả Lôi Mễ:
Lôi Mễ bởi xuất thân từ ngành cảnh sát, là giảng viên trường cảnh sát nên tính chuyên nghiệp và thực tế rất tốt. Nhân vật của Lôi Mễ không bị cường điệu hóa đến mức vô lý mà khá đời thường với đủ những rắc rối xung quanh cuộc sống. Tuy là người làm trong ngành cảnh sát nhưng rõ ràng ta thấy bút lực của tác giả cực kỳ chắc chắn. Lối viết tiến bộ rất nhanh.
Bây giờ đi vào từng tác phẩm trong series trinh thám tâm lý tội phạm.
1. Độc giả thứ 7
Số chương: 19 chương
Nội dung: Chàng sinh viên Phương Mộc học đại học năm 3 đã phải chứng kiến một loạt tội ác giết người diễn ra trong khuôn viên trường đại học của mình. Bằng tài năng của mình Phương Mộc lần theo dấu vết của kẻ sát nhân và tìm cách cứu những người bạn.
Đây là tác phẩm đầu tiên của Lôi Mễ viết nên cách hành văn hãy còn chưa được mượt mà. Tuy nhiên, bút pháp miêu tả chi tiết phạm tội đã được Lôi Mễ thể hiện rất rõ ở tác phẩm này. Cái không khí nặng nề, u ám, được Lôi Mễ bắt đầu hình thành ở đây, dù không gian ban đầu là những người thanh niên vui vẻ tươi sáng, nhưng trước những biến cố đau đớn dù thủ phạm được tìm ra thì cũng không hàn gắn được những vết thương trong tim.
2. Đề thi đẫm máu
Số chương: 29 chương
Nội dung: Phương Mộc giờ đây đang học Thạc sỹ ngành tội phạm học tại một thành phố khác. Những sự kiện xảy ra lúc trước đã ám ảnh anh khiến anh trốn tránh và sống khép kín. Tuy nhiên, một loạt vụ giết người diễn ra trong khuôn viên trường đại học nơi anh đang theo học, cùng với sự đồng hành của người cảnh sát Thái Vỹ đã kéo Phương Mộc tìm ra kẻ sát nhân tàn độc.
Đây là quyển sách được độc giả khen ngợi nhất trong series truyện của Lôi Mễ. Bút pháp của tác giả tiến bộ rất nhanh trong quyển sách này. Hành văn lối cuốn, liên kết cũng như cấu trúc các vụ án đều gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Việc tác giả lấy nguyên mẫu các vụ giết người từ các vụ án nổi tiếng thế giới khiến cả cách thức và hành động tội ác đều lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, cách để hung thủ lộ diện đơn giản quá so với tổng thể sách, cũng như tác giả không giải thích cách thức hung thủ thực hiện các hành vi tội ác cũng là điểm mình cảm thấy chưa thỏa mãn trong truyện.
3. Giáo hóa trường - Cuồng vọng phi nhân tính
Số chương: 37 chương
Nội dung: Phương Mộc đã trở thành cảnh sát thuộc phòng tâm lý tội phạm. Lần theo những vụ án liên quan đến một nhóm người, Phương Mộc đã tìm ra những kẻ đứng đầu sử dụng phương pháp tâm lý và giết người để hoàn thiện những nghiên cứu khoa học độc ác.
Đây là một trong hai quyển sách mình thích nhất của Lôi Mễ. Nếu tìm một quyển sách đậm chất tâm lý tội phạm nhất thì mình sẽ đề cử Giáo hóa đường. Có nhiều đánh giá quyển này khát hụt hơi so với Đề thi đẫm máu, tuy nhiên theo mình sự đánh giá đó chủ yếu nằm ở nội dung tác giả truyền tải. Phần lớn, độc giả ưa thích hành động gay cấn, cũng như những miêu tả hiện trường phạm tội vừa bí ẩn vừa ghê rợn. Giáo hóa trường lại thuần tâm lý tội phạm hơn nên cũng không được thu hút bằng.
Đề thi đẫm máu lôi cuốn ở các vụ án diễn ra trong đó đầy rùng rợn và bí ẩn, thì ở Giáo hóa trường, Lôi Mễ khẳng định bút lực chắc chắn bởi cách miêu tả nhuần nhuyễn tâm lý phạm tội của nhóm hung thủ. Theo mình, cách thức miêu tả diễn biến tâm lý khó hơn rất nhiều so với miêu tả hành động. Đề thi đẫm máu cũng miêu tả tâm lý phạm tội, nhưng đó chỉ mới cá thể một người, ở đây Lôi Mễ đưa ra một nhóm người. Không những thế vụ án ở đây không quá rùng rợn nhưng cái rùng rợn chính là cách người ta sử dụng sự ám ảnh tâm lý để hành động, chính việc này thể hiện rõ kiến thức tâm lý học của Lôi Mễ.
4. Sông ngầm
Số chương: 26 chương
Nội dung: Chàng cảnh sát Phương Mộc lần này không chỉ điều tra một vụ án buôn người có quy mô lớn mà còn phá hủy sự liên hệ giữa cảnh sát tha hóa với giới tội phạm.
Sau một loạt thành công của các quyển sách trước, Lôi Mễ bắt đầu thoải mái trong lối viết văn. Từ những quyển sau này, khi Phương Mộc đã trở thành cảnh sát nên cấu trúc truyện cũng khác đi nhiều. Lôi Mễ chuyển sang kiểu viết điều tra phá án của cảnh sát hơn là thuần tâm lý tội phạm như trước.
Ở quyển sách này, Lôi Mễ cũng đặt để nhiều tham vọng trong nội dung nhất. Không chỉ phá án mà còn muốn đẩy quy mô rộng hơn, tội phạm cũng không chỉ một người hay nhóm người nhỏ mà đã trở thành một tập đoàn lớn với đủ mắt xích trải rộng, đồng thời cũng muốn tôn vinh sự hi sinh của cảnh sát. Phương Mộc không chỉ đơn giản là điều tra mà còn phải có những sự lựa chọn con đường kiên định đi về công lý.
Tuy nhiên, có một số chi tiết mình nghĩ Lôi Mễ hơi làm quá. Đó là những người cảnh sát hi sinh thân mình cứu đứa bé nhưng bởi một số cảnh sát nhúng chàm mà không được công nhận. Chi tiết này, Lôi Mễ cố tình làm cho đau thương thêm sâu sắc nhưng hơi quá mức. Bởi dù cho có bị điều khiển từ các nhóm quyền lực nhúng chàm nhưng dù sao rõ ràng có Phương Mộc, một cảnh sát làm chứng, thì không có chuyện không ai tin rằng trong khối bê tông đó có người chết. Kể cả người chết không phải là cảnh sát thì cũng không có chuyện bỏ qua như vậy. Mà phải đến tận sau này, khi Phương Mộc phá hủy được tổ chức tội phạm và cảnh sát nhúng chàm thì người ta mới tôn vinh các cảnh sát đó. Hay như kết hoạch cuối truyện của Phương Mộc cũng thiên về lý thuyết trên nằm giấy. Nói thật nếu áp dụng ngoài đời thực chắc chắn không bao giờ có chuyện dễ dàng như vậy. Dù cho tâm lý tội phạm có chuẩn đến mức nào, với số lượng người nhiều như vậy sẽ không đến mức ai ai cũng ngốc nghếch để bị lừa một cách dễ dàng và đơn giản.
5. Ánh sáng thành phố
Số chương: 28 chương
Nội dung: Kẻ thù nguy hiểm nhất, kẻ sát nhân tàn nhẫn máu lạnh nhất mà Phương Mộc phải đối diện. Hai kẻ thù đối đầu, lưỡng bại câu thương.
Quyển này cũng là quyển cuối cùng khép lại series về Phương Mộc, nên Lôi Mễ cũng đặt nhiều tâm huyết để xây dựng trùm cuối sao cho thật hoành tráng. Tuy nhiên thể loại dùng cái ác trừng trị cái ác cũng quá quen thuộc trong dòng trinh thám. Bên cạnh đó, để có một cái kết hoàn thiện cho Phương Mộc, ở tập này, Lôi Mễ nói thêm nhiều về các mối quan hệ cá nhân xung quanh Phương Mộc, nhất là chuyện tình yêu. Nói chung theo mình, Lôi Mễ viết chuyện tình yêu vẫn chưa có được sự mềm mại nên có.
Cũng là mở rộng không gian truyện như Sông ngầm nhưng vấn đề Lôi Mễ đặt ra không chỉ xoay quanh các vụ án mà còn là giải quyết vấn đề cá nhân để hoàn thiện cuộc đời cho Phương Mộc nên có lúc cảm giác mạch truyện bị loãng, chưa có độ lửa cần thiết cho một tác phẩm bùng nổ. Tất nhiên là kết thúc truyện cũng như kết thúc series về Phương Mộc tuy không đạt như kỳ vọng nhưng đều rất tốt.
Sau khi đọc xong cách sách trinh thám của Lôi Mễ, riêng mình cũng khó tìm được sách trinh thám của Trung Quốc nào có thể vượt lên trên. Thế nên gần đây mình ít đọc trinh thám của Trung Quốc. Một dạo thấy mọi người khen truyện của Tử Kim Trần, mình cũng đọc thử nhưng truyện của tác giả cứng nhắc, giọng văn thiếu độ mềm cần thiết của thể loại văn học, lại phản ánh góc tối của xã hội quá gay gắt nên mình cũng không đọc được xong quyển nào cả. Còn các tác giả nữ viết trinh thám thì mình không thấy ai gọi là đặc sắc cả. Các tác giả nữ mang danh viết trinh thám nhưng điều tra thì ít mà lồng chuyện tình yêu thì nhiều mình cũng không có hứng thú. Nói chung là chắc thời gian tới vẫn chưa tìm được truyện trinh thám Trung Quốc nào hợp gu để đọc.